Dưới sức ép của dịch bệnh trong thời gian vừa qua, tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam gặp nhiều khó khăn và biến động, song bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều tín hiệu khả quan. Cụ thể, xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Nga vẫn tăng trưởng khá tốt bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời còn ghi nhận những cột mốc tăng trưởng đáng chú ý cho thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tôm Việt Nam đang dần có chỗ đứng trên thị trường Nga và cơ hội để gia tăng mở rộng thị phần tại quốc gia này là điều hoàn toàn khả thi trong thời gian tới.
Tình hình nhập khẩu tôm của Nga
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu tôm của Nga tăng liên tục từ năm 2016 đến 2020. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu tôm của Nga là 214,7 triệu USD. Đến 2020, kim ngạch nhập khẩu tôm của Nga đã ở mức 320,7 triệu USD.
Trong giai đoạn nói trên, Nga tăng nhập khẩu tôm từ Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam và Argentina. Trong khi đó, Nga giảm dần nhập khẩu từ Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga tăng từ 15,7 triệu USD năm 2017 lên 41,1 triệu USD năm 2020, tăng 162%. Thị phần tôm Việt Nam trong tổng giá trị tôm nhập khẩu của Nga từ 11% năm 2016 tăng lên 12% năm 2020.

Cũng theo ITC, 7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Nga đạt trên 276 triệu USD. Mức nhập khẩu này tăng 82% so với cùng kỳ 2020. Tôm nước ấm nguyên liệu đông lạnh và tôm nước lạnh đông lạnh là 2 sản phẩm chính nhập khẩu vào Nga. Cả hai lần lượt chiếm 75% và 18% tổng các sản phẩm tôm NK vào thị trường này.
Thị trường nhập khẩu tôm của Nga
Nga nhập khẩu tôm từ 25 thị trường. Trong đó Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 3 cho Nga, sau Ấn Độ và Ecuador. Ngoài ra, một số thị trường lớn khác cũng đang tập trung xuất khẩu tôm sang Nga. Điển hình trong số đó như Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Argentina, Thái Lan.
Ecuador và Ấn Độ là 2 nguồn cung tôm lớn nhất cho Nga. Hai quốc gia này lần lượt chiếm thị phần 25% và 18% trong 7 tháng đầu năm nay. Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp tôm cho Nga, chiếm 10% thị phần.
Nhập khẩu tôm của Nga từ 3 nguồn cung này đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể, nhập khẩu từ Ecuador và Ấn Độ tăng lần lượt 42% và 88%. Trong khi đó, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 106%.
“Vị thế” của tôm Việt Nam tại thị trường Nga
Trên thị trường Nga, tôm Ấn Độ và Ecuador có giá cạnh tranh hơn tôm Việt Nam. Thế nhưng, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Nga vẫn tăng trưởng rất tốt. Mức tăng trưởng lên tới 3 con số trong 7 tháng đầu năm nay. Điều này cho thấy tôm Việt Nam, tuy chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh của các thị trường khác, nhưng vẫn đang tạo dựng được chỗ đứng vững chắc tại Nga.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP0, cho thấy, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga đạt trên 27 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu chỉ giảm nhẹ 9% trong tháng 4. Các tháng còn lại đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Trong đó, các tháng 1,5 và 6 tăng trưởng 3 con số.

Tháng 8/2021, xuất khẩu tôm sang Nga quay đầu giảm tới 13% so với tháng 8/2020. Nguyên nhân là do Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Do đó, khả năng đáp ứng các đơn hàng tôm xuất khẩu bị hạn chế.
Nhập khẩu tôm Việt của Nga liên tục tăng trưởng mạnh từ năm 2020 đến nay. Trong nửa đầu năm nay, Nga đã vào Top 10 những thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Hiện tại, Nga đang là thị trường đứng thứ 9 của Việt Nam. Quốc gia này chiếm 1,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.
Xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới
VASEP cho rằng, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga đang có xu hướng tăng trưởng rất tốt. Ngoài ra, một lợi thế lớn cho Việt Nam đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu. Hiệp định này sẽ giúp tôm Việt Nam nhanh chóng phục hồi tăng trưởng xuất khẩu sang Nga. Khi các nhà máy chế biến tôm ổn định sản xuất trở lại sau dịch bệnh thì tình hình xuất khẩu sẽ tiến triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, giá cả và chất lượng là những yếu tố doanh nghiệp cần quan tâm. Những yếu tố này ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Để nắm bắt cơ hội từ các thị trường tiềm năng như Nga, doanh nghiệp chờ đợi được tiêm vaccine hết cho người lao động để nâng công suất và tăng xuất khẩu.