Sau đợt dịch bệnh ASF hoành hành các đàn heo lớn nhỏ ở nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc, nước này đã đưa ra những quy định mới về chỉ tiêu năng suất cũng như chất lượng của đàn heo nái. Việc này được thực hiện nhằm để các hộ nuôi heo nái lớn nhỏ được ổn định hơn, giúp cải thiện sản lượng tiêu thụ cũng như bình ổn lại giá cả đã quá biến động trong thời gian trước đó. Để thực hiện được điều này, MARA Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp mới chẳng hạn như phân thành từng vùng khác nhau để việc nuôi các đàn heo nái được kiểm soát một cách chặt chẽ hơn nữa.
Trung Quốc đặt mục tiêu cho đàn heo nái
Trong kế hoạch tạm thời về năng suất chăn nuôi heo hơi, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MARA) đặt mục tiêu đàn heo nái hiện nay là khoảng 41 triệu con. Số lượng heo quy định này được áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025. MARA bắt buộc con số trên không được thấp hơn 37 triệu con.
Các hướng dẫn do MARA, cơ quan quy hoạch nhà nước và các cơ quan chức năng khác cùng ban hành vào tháng trước đã đặt mục tiêu 40 – 43 triệu con.

“Miễn là lượng heo nái tồn kho được duy trì trong phạm vi hợp lý, sản lượng heo con sẽ được đảm bảo (và) nguồn cung heo thịt trên thị trường và giá thịt heo sẽ được giữ ở mức tương đối ổn định”, Bộ cho biết trong một tuyên bố.
Nguyên nhân khiến giá thịt heo Trung Quốc biến động
Giá thịt heo của Trung Quốc đã giảm mạnh trong những tháng gần đây. Việc này đã đẩy người chăn nuôi heo của nước này rơi vào cảnh điêu đứng. Giá thịt heo giảm mạnh là do bối cảnh nguồn cung của nước này dư thừa. Đây là kết quả của việc nỗ lực nhanh chóng tái đàn heo sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) tàn phá đàn heo của quốc gia này.
Sự bùng phát của dịch ASF vào năm 2018 đã khiến đàn heo lớn nhất thế giới giảm khoảng 40%. Theo đó, việc này là nguyên nhân chính thúc đẩy giá heo tăng vọt. “Giá tăng cao đã thu hút các nhà sản xuất thịt heo lớn mở rộng chăn nuôi. Họ đã tích cực đi vay để gia tăng sản xuất”, bà Flora Chang, phó giám đốc của S&P Global Ratings, cho hay.

Các nhà chăn nuôi và công ty cũng tận dụng các khoản trợ cấp của chính phủ để đầu tư cho sản xuất. Và 3 năm sau đó, thị trường đã chứng kiến sự dư thừa nguồn cung. Trong khi điều quan trọng hơn là nhu cầu không thể phục hồi như trước. Đó là do tình hình dịch bùng phát quá mạnh. Do đó, nhiều người tiêu dùng đã có cách tiết kiệm hơn. Họ đã chuyển sang những sản phẩm protein khác với giá rẻ phù hợp hơn tại thời điểm giá thịt heo tăng cao.
Biến động giá và sản lượng đàn heo nái Trung Quốc
Theo số liệu tổng hợp trên trang zhuwang.cc, giá heo hơi trung bình của quốc gia châu Á đã giảm gần 35,5% từ 16,2 NDT/kg xuống còn khoảng 10,45 NDT/kg. Đây được xem là mức giảm khá mạnh so với trước đây.
Trung Quốc có 45,6 triệu con heo nái vào cuối tháng 6. Số lượng heo ở nước này tăng hơn 2% so với cuối năm 2017. Đây là năm trước khi dịch bệnh ASF bùng phát trên các đàn heo. Tuy nhiên đàn heo nái lại giảm nhẹ trong tháng 7.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất hàng đầu, chịu áp lực đáng kể trong những tháng gần đây, đã tăng vọt sau tin tức này. Muyuan Foods và Jiangxi Zhengbang đều chốt phiên với mức tăng 2%. Trong khi đó, cổ phiếu của New Hope Liuhe tăng đến 6%.
Theo bà Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao tại Rabobank, thị trường đã phản ứng thái quá. “Đây là một ngành công nghiệp manh mún. Việc thay đổi cơ cấu đàn heo nái không dễ dàng trong một sớm một chiều”, bà Chenjun nói.
Trung Quốc tiến hành phân vùng đàn heo nái
Trong tuyên bố hôm 23/9, MARA cho hay đàn heo nái sẽ được phân loại theo ba vùng. Việc này nhằm để giúp các nhà chức trách đưa đàn heo nái về mức bình thường. Từ đó giúp giá thịt heo có thể được bình ổn trở lại.
“Vùng xanh” sẽ hiển thị số lượng đàn heo nái dao động trong phạm vi bình thường. Heo nái ở vùng này không cần thực hiện bất kỳ hành động nào. Tuy nhiên, đàn heo tại nơi “vùng xanh” sẽ vẫn được theo dõi một cách thường xuyên.
Các nhà chức trách sẽ cần phải hành động nếu lượng heo nái tồn kho báo hiệu “vùng màu vàng”. Đây là vùng cho thấy sự biến động mạnh trong sản lượng thịt. Cuối cùng là “vùng màu đỏ”, biểu thị sự tăng hoặc giảm quá 10% so với mức bình thường.
Bộ cho biết Trung Quốc sẽ giữ hồ sơ về những trang trại cung cấp hơn 500 con heo cho lò giết mổ mỗi năm, theo Reuters.