Cá lăng nha trước đây là loài sống nhiều ở ngoài tự nhiên, tuy nhiên sau này nhu cầu của người dân tăng cao khiến việc nuôi cá lăng nha dần trở nên phổ biến hơn. Cá lăng nha là loài cá nước ngọt, có thịt ngon và không có xương dăm. Mùi vị loại cá này khá hấp dẫn, mang đến giá trị thương phẩm cao chính vì thế loài cá này đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân.
Nhiều mô hình nuôi cá lăng nha được phát triển dựa trên mô hình kinh tế khác nhau và đạt được hiệu quả cao. Hiện tại cá lăng nha được áp dụng hình thức nuôi bán thâm canh trong bè hoặc trong ao để giúp cá lớn nhanh hơn, rút ngắn thời gian thu hoạch cá. Kết quả nuôi tốt hay không nhờ vào phần lớn ở việc chuẩn bị ao nuôi, bè nuôi. Trước khi nuôi cần tẩy trùng sạch ao bè tránh những mầm bệnh để giúp cá sinh trưởng tốt hơn.
Đặc tính của loài cá lăng nha
Cá lăng có giá trị dinh dưỡng cao, không có xương dăm. Do đó có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là loài cá da trơn, sinh sống ở tầng đáy, nhiều phù sa, nước chảy chậm và tĩnh lặng. Cá lăng ăn các loại côn trùng trên mặt nước, ấu trùng trong nước và tôm, cua, cá nhỏ.
Triển khai mô hình nuôi cá lăng nha
Năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá lăng nha trên sông Trà Khúc ở xã Tịnh Sơn. Tham gia mô hình có 6 hộ ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn, với 6 lồng cá, mỗi hộ 1 lồng. Trung bình mỗi lồng được hỗ trợ 400 con cá giống.
Trong quá trình nuôi, cá lăng nha thích nghi tốt, sinh trưởng, phát triển ổn định. Nhờ áp dụng kỹ thuật xử lý nước đục trong lồng, cũng như việc thực hiện đóng lồng bè bằng inox. Vì vậy việc di chuyển lồng thuận lợi, hạn chế thiệt hại.

Qua 8 tháng nuôi, tỷ lệ sống của cá là 70%, trọng lượng đạt 0,6kg/con. Giá cá thương phẩm 170 ngàn đồng/kg, lợi nhuận đạt 15,8 triệu đồng. Từ kết quả này, bà con tiếp tục đầu tư nuôi, dự kiến đến Tết âm lịch sắp tới sẽ xuất bán, khả năng lãi của mô hình sẽ tăng cao.
Mở ra hướng phát triển mới
Việc triển khai mô hình nuôi cá lăng nha góp phần mở ra hướng phát triển mới. Tạo sinh kế cho người dân sống dọc sông Trà Khúc. Ông Trần Nhật Tấn tham gia mô hình cho biết: “Nhờ được hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư, từ tháng 4/2018 đến nay, tôi đã nuôi cá trong lồng bè bằng inox. Vào thời điểm mưa lớn, nước sông lên cao, tôi di chuyển lồng bè thuận lợi. Áp dụng kỹ thuật xử lý nước đục trong lồng, vệ sinh lưới lồng, che mát mặt lồng khi trời nóng. Do đó không có thiệt hại gì đáng kể”.

Hiện số cá còn sống của ông Tấn gồm 290 con. Trọng lượng bình quân đạt 0,65 kg/con, tổng khối lượng cá đạt 189kg. Nếu tính theo giá thu hoạch hiện tại là 170.000 đồng/kg thì ông thu được trên 32 triệu đồng. Còn ông Trần Văn Hiếu cho biết, nuôi bằng lồng bè inox di chuyển cá dễ dàng, tránh thiệt hại. Thức ăn cũng dễ mua nên cá sinh trưởng phát triển tốt. Hiện số cá còn sống của ông có 280 con, trọng lượng bình quân đạt 0,65kg/con. Tổng trọng lượng cá trong lồng đạt 182kg. Với giá cả như hiện nay, thì thu nhập được trên 30 triệu đồng. Hầu hết các hộ nuôi đều rất phấn khởi và mong muốn mô hình được tiếp tục phát triển.