Ai nuôi thú cưng đặc biệt là những chú chó đều biết chúng rất năng động, tuy nhiên một lúc nào đó chúng có biểu hiện bất thường và mệt mỏi thì chắc hẳn là boss nhà bạn có vấn đề về sức khỏe rồi đấy. Thay vì chữa bệnh thì chúng ta nên có các biện pháp giúp phòng bệnh cho boss một cách hiệu quả, chẳng hạn như cân bằng chế độ ăn uống, rèn luyện sức khỏe và thăm khám định kì,… Chú ý quan sát các biểu hiện của boss để kịp thời ngăn chặn sự tấn công của virus hay kí sinh trùng. Do đó hãy theo dõi bài viết của chúng tôi để rút kinh nghiệm trong việc chăm sóc cún cưng nhà mình nhé!
Các cách giúp phòng bệnh cho boss
Ăn uống khoa học

Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để chăm sóc sức khỏe cho chó con là chọn thức ăn cho chó phù hợp. Hướng dẫn về thức ăn cho thú cưng có rất nhiều câu trả lời trên các diễn đàn của hội các con sen. Nhưng hãy nhớ rằng bạn nên nhờ đến sự tư vấn cụ thể của bác sĩ thú y. Đừng ngại chuyển đổi thức ăn cho thú cưng nếu bạn cảm thấy boss không thực sự thích chúng. Bạn cũng nên ghi nhớ những loại thực phẩm mà cún yêu nên tránh.
Rèn luyện thể lực
Thú cưng có thể mắc phải các tình trạng bệnh lý giống như con người nếu chúng bị thừa cân. Chẳng hạn như căng khớp, bệnh tim mạch và tiểu đường. Sen cũng nên lưu ý một số em cún dễ mắc bệnh hơn những giống khác. Hãy chắc chắn rằng bạn đưa chó con của bạn ra ngoài mỗi ngày. Đi dạo hoặc chạy bộ, cộng với thời gian chơi. Bạn nên cho cún đi dạo 2 lần mỗi ngày, mỗi lần ít nhất 15 phút. Cùng cún chơi các trò chơi vận động như ném bắt.
Đánh răng cho boss

Đánh răng thường xuyên có thể ngăn ngừa bệnh nha chu và thậm chí các vấn đề về dạ dày. Vệ sinh răng cho chó thường xuyên. Bắt đầu từ thời “thơ ấu” sẽ giúp các bé cún và cả bạn đỡ “vất vả” hơn về sau. Lý do bạn nên đánh răng thường xuyên cho thú cưng vì thức ăn dư thừa để lại mảng bám trên răng. Cao răng sẽ được hình thành từ những mảng bám này trong khoảng thời gian từ 2 – 3 ngày. Khi cao răng được hình thành, bàn chải sẽ rất khó loại bỏ chúng vì đã bị vôi hóa. Tần suất tốt nhất cho giống cún yêu là 1 tuần/lần.
Chải lông và làm sạch tai
Giữ cho bộ lông của cún yêu được sạch sẽ và được chải chuốt thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh lý của da. Có thể nhiều sen chưa biết, màu sắc bộ lông có thể giúp sen phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe của thú cưng. Hãy tắm cho cún con của bạn khi cần thiết. Nhưng tốt nhất là không quá một lần mỗi tháng. Nếu không bạn vô tình khiến các bé bị khô da và kích ứng da.
Việc làm sạch tai có thể được thực hiện tại thời gian tắm, khoảng một tháng một lần. Sen nên nhẹ nhàng lau xung quanh lỗ tai, tránh đi xuống ống tai có thể gây tổn thương bé. Trong khi làm sạch tai cún con của bạn, tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng. Bao gồm mùi, da đỏ, chất thải hoặc mảnh vụn nhỏ khi thấy cún thường xuyên lắc đầu và gãi tai. Hãy chắc chắn rằng tai cún yêu khô sau khi tắm vì tai ướt có thể gây nhiễm trùng.
Kiểm tra sức khỏe định kì
Những con bọ ve hay lẩn trốn ở các kẽ tay của cún con. Hãy kiểm tra bọ ve mỗi ngày và loại bỏ chúng càng sớm càng tố. Nhằm ngăn ngừa bệnh Lyme và các bệnh do ve gây ra. Thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ thú y của bạn để cún yêu dùng thuốc trị giun tim và bọ chét thường xuyên.
Cún con nên được tiêm phòng vào khoảng 6 đến 8 tuần tuổi. Nhằm phòng bệnh thường gặp như Parvo, bệnh viêm gan và bệnh dại. Hãy nói chuyện với bác sĩ thú y về các loại vắc-xin khác mà họ có thể khuyến khích dành cho cún yêu của bạn.
Nguyên nhân có thể gây bệnh cho thú cưng
Thường do môi trường sống không được sạch sẽ, hoặc có thể bị lây lan từ con này sang con khác. Trong một đàn, nếu 1 con bị ký sinh trùng bám vào lông, mà để chúng sinh sôi nảy nở thì thực sự rất tai hại. Bạn cần phải luôn luôn theo dõi đàn chó nhà mình. Có những biện pháp phòng ngừa và trị bệnh ngay khi mới chớm lây bệnh

Đó là điển hình các bệnh thường gặp ở chó và thường tỷ lệ ở chó con từ 2 đến 7 tháng tuổi thường có nguy cơ mắc ký sinh trùng nhiều hơn. Vì một phần ở đội tuổi này, chó con rất hiếu động, nghịch ngợm. Đôi khi không biết tự chăm sóc cho bản thân, chúng giống như những đứa trẻ mới lên 5 vậy.