Nuôi bất cứ con vật nào, thì giai đoạn còn nhỏ sẽ cần sự chăm sóc nhiều hơn cả. Nuôi vịt con từ lúc mới nở trong trứng cho đến khi chúng hoàn toàn thành thạo còn được gọi là “gột vịt”. Theo cách gọi miền Nam thì là “úm vịt con”. Thời gian gột vịt của mỗi lứa vịt không hoàn toàn giống nhau, chúng sẽ thường kéo dài trong khoảng từ 21 đến 30 ngày tuổi tùy giống vịt, theo mùa vụ và theo chế độ nuôi dưỡng và chăm sóc của chủ nuôi. Thông thường, khi nuôi vịt con, các chủ nuôi luôn cần chú ý vệ sinh chuồng trại để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho vịt con. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến quý bạn đọc quá trình nuôi vịt con và những lưu ý khi nuôi để vịt con khỏe mạnh nhé!
Chăm sóc vịt theo từng giai đoạn
Từ 1 – 3 ngày tuổi
Ngày đầu có thể cho vịt tập ăn bằng bột bắp hoặc tấm, cho vịt uống nước có pha Vime C Electrolyte, B.complex C, Vimevit Electrolyte. Nhu cầu về nước uống của vịt từ 1 – 7 ngày tuổi là 120 ml/con/ngày. Từ ngày thứ hai trở đi có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp dùng cho vịt con.

Có thể phòng bệnh dịch tả cho vịt lúc 3 ngày tuổi. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy việc phòng bệnh sớm có đáp ứng miễn dịch thấp và có thể gây trung hòa kháng thể do mẹ truyền (ở vịt mẹ có tiêm phòng vacxin).
Từ 4 – 10 ngày tuổi
Nếu nuôi vịt thịt có thể tập thêm cho vịt ăn những thức ăn như rau xanh trộn lẫn với cơm. Thức ăn bổ sung đạm: Bột cá lạt, phân tôm. Chú ý phân tôm có hàm lượng muối rất cao. Sử dụng quá nhiều trong khẩu phần vịt có thể ngộ độc muối. Những ngày đầu chỉ cho tắm 5 – 10 phút sau đó tăng dần lên. Từ ngày thứ 10 trở đi cho vịt xuống nước tự do. Tiêm phòng vacxin dịch tả vịt đông khô TW2 lúc vịt 7 ngày tuổi.
Từ 11 – 20 ngày tuổi
Nếu có điều kiện nên cho vịt ăn thức ăn hỗn hợp. Khi vịt được 15 ngày tuổi nên cho ăn hai lần kết hợp chăn thả ngoài đồng để cho vịt kiếm thêm thức ăn. Nếu cho vịt ăn đơn thuần là tấm, cám trong giai đoạn này. Cần bổ sung thêm chất đạm như tôm, cua, cá nhỏ, ốc, hến…
Ngày thứ 20 trở đi có thể tập cho vịt ăn lúa. Tiêm phòng vacxin phòng bệnh dịch tả vịt lần 2 lúc vịt 21 ngày tuổi. Nên sử dụng vacxin Kapevac hoặc dịch tả đông khô TW2 tiêm dưới da.
Từ 30 – 80 ngày tuổi
Sau 30 ngày tuổi vịt ăn lúa được và có khả năng tự kiếm mồi. Lúc này vịt có thể cho chạy đồng. Ở các giống vịt thịt, ngày tuổi thứ 80 là thời điểm thích hợp nhất để bán thịt.
Phương pháp vệ sinh phòng bệnh
Vệ sinh thú y trong giai đoạn nuôi vịt con rất quan trọng. Trước khi thả vịt cần nạo vét sạch chất độn chuồng cũ. Sau đó phun các thuốc sát trùng chuồng trại và dụng cụ như Vimekon (100gr Vimekon + 20 lít nước) hoặc Vime – Protex (1 lít Vime – Protex + 200 lít nước), sát trùng nước uống bằng Vime – Iodine (10ml Vime – Iodine + 20 lít nước).

Trong thời gian úm vịt nên thường xuyên thay đổi chất độn chuồng hoặc rải thêm trấu hàng ngày, phun xịt thuốc sát trùng định kỳ 3 ngày/lần. Khi xung quanh có dịch bệnh và 7 – 10 ngày/ lần trong điều kiện bình thường.
Chuồng nuôi vịt con
Chuồng nuôi vịt con cần phải đảm bảo đủ ấm, thoáng, đủ ánh sáng. Lưu ý nên làm chuồng không ẩm ướt và có mật độ nuôi thích hợp. Nhiệt độ thích hợp là tùy theo lứa tuổi của vịt con; cụ thể từ 1 -10 ngày nhiệt độ trong quây (hoặc chuồng vịt) là 25 – 30°C, còn từ 25 ngày : 25 – 20°c, độ ẩm thích hợp ở giai đoạn từ 1 – 25 là 65%, nếu độ ẩm quá cao sẽ làm cho vịt dễ bị bệnh về tiêu hóa và hô hấp (như hen suyễn, nặng bụng…).
Ánh sáng cũng rất cần thiết. Không nên nuôi vịt ở chỗ thiếu ánh sáng, chúng sẽ dễ bị dột chân. Nhưng cũng cần tránh ánh sáng mặt trời chiếu tiếp tục vào nơi nhốt vịt. Vì như vậy chúng dễ bị cảm nóng và tụ máu não, chết hàng loạt.