Vịt trời là loại gia cầm có giá trị kinh tế cao nên được nhân giống chăn nuôi nhiều hơn trong những năm gần đây. Mô hình chăn nuôi vịt trời nhân giống và lấy thịt đã mang lại nguồn lợi lớn cho nhiều hộ nông dân, đặc biệt là giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Khác với các giống vịt nhà thường gặp, vịt trời là giống nuôi hoang dã, có tập tính và đặc điểm riêng, khó nuôi nên cần có phương pháp chăm nuôi hợp lý, đặc biêt là cách dựng chuồng. Chuồng nuôi vịt trời cần phải đáp ứng được nhiều yếu tố riêng, có như vậy vịt mới có thể phát triển một cách tốt nhất được.
Lựa chọn vị trí đặt chuồng và phân chia ô chuồng hợp lý
Bà con nên lựa chọn kết hợp khu vực xây dựng trang trại là nơi gần ao hồ, sông, suối… Bởi vịt trời rất thích bơi lội. Để đàn vịt phát triển tốt, khi chọn vị trí nuôi cần tránh các khu dân cư, khu công trình nhiều tiếng ồn, ô nhiễm rác thải. Cách cơ bản và đỡ tốn kém nhất chính là trồng cây ăn quả kèm theo. Cách này vừa thu hoạch quả vừa tạo được bóng mát cho chuồng. Bà con tránh lựa chọn một số cây dạng thân mềm bởi vịt có thể nghịch phá hỏng nhé.

Bạn nên làm chuồng trại thành các ô nhỏ riêng biệt để nhốt những con cùng lứa lại với nhau. Trung bình một ô khoảng 20m2 sẽ nuôi được khoảng 100 con vịt. Sau đó giảm dần vào các tháng tiếp theo. Ô chuồng nuôi được chia làm 3 phần riêng biệt. Bao gồm khu ăn uống, khu nghỉ ngơi và khu bơi lội. Khu ăn uống và khu nghỉ ngơi chiếm khoảng 2/3 diện tích chuồng. Còn lại 1/3 diện tích còn lại sẽ được thiết kế là phần cho vịt bơi lội.
Thiết kế mái chuồng nuôi
Dù vịt trời đã được thuần hóa tuy nhiên vịt trời vẫn còn bản tính thiên nhiên của nó là có thể bay, bởi vậy khi làm chuồng trại, bà con nên tăng độ cao của vịt trời lên 3m – 3,5m. Tránh tình trạng vịt trời bay nhảy sang chuồng khác – ảnh hưởng đến cách quản lý và chăm nuôi sau này. Bà con có thể rào bằng lưới thép B40 hoặc lưới cước cho phù hợp với tùy mô hình.
Nuôi vịt trời phải có nguồn nước để vịt uống và bơi lội. Nếu không có ao tự nhiên, bà con có thể xây dựng một khu bơi lội kích thước khoảng 3x 1,50m, độ sâu khoảng 20 – 30cm. Chú ý, khu bơi lội cũng phải có lưới cước hoặc lưới vây kín và cao để tránh vịt bay ra ngoài.v
Xây nền chuồng và thiết kế máng ăn cho vịt trời
Nền chuồng bà con nên láng nền bằng xi măng để tiện cho việc vệ sinh xịt rửa sau này. Ngoài ra, bà con nên xây dựng hệ thống sập lỗ để khi dọn dẹp chuồng, hệ thống chất thải sẽ theo đường sập lỗ chảy ra ngoài, đảm bảo vệ sinh tốt cho chuồng trại. Phần bơi lội nên đào lỗ sâu khoảng 1m và rộng khoảng 2m, được lót bằng bạt chống thấm và rộng nước vào để vịt bơi lội.

Vị trí đặt máng uống cũng phải thoát nước nhanh vì khi vịt – ngan uống hay vẩy nước. Máng ăn để trong chuồng nuôi, máng uống để ngoài sân chơi. Mùa hè phải có bóng râm hoặc che nắng cho máng uống. Đặc biệt, sân chơi phải có diện tích rộng gấp 2 – 3 lần chuồng nuôi. Ngoài ra cũng phải láng xi măng cát hoặc lát gạch để hàng ngày tiện cho việc cọ rửa, làm vệ sinh.
Ổ đẻ và khu ấp trứng cho vịt trời
Mật độ nuôi vịt trời tốt nhất là khoảng 2 – 3 con/m2 nền chuồng. Khi nuôi cần chú ý, lót nền chuồng và ổ đẻ bằng rơm khô, cỏ khô, trấu. Đặc biệt cần lót ổ đẻ, phải thay thường xuyên để tránh ẩm mốc. Trong điều kiện ẩm ướt, nấm và vi khuẩn rất dễ phát triển. Ổ đẻ được làm bằng gỗ, tre, tấm cót,… thành từng ô có kích thước 40 x 60 x 40 cm. Trung bình, mỗi ô cho 4 – 6 con mái đẻ.
Để đạt hiệu quả cao, bà con nên đầu tư mua máy ấp trứng. Khi chọn mua máy, bà con nên cân đối với sản lượng vịt trời của mình để mua máy có công suất phù hợp, tránh lãng phí. Khu để máy ấp trứng thường là trong chuồng nuôi hoặc ở khu riêng biệt. Bà con chú ý để máy ấp ở nơi sạch sẽ, cao ráo, tránh để gần khu vực dễ xảy ra chập điện.
Trên đây là một số chia sẻ kinh nghiệm làm chuồng trại chăn nuôi vịt trời, tùy địa thế và điều kiện bà con có thể xây dựng mô hình chuồng trại phù hợp theo tiêu chí và ý tưởng riêng. Đảm bảo các yếu tố chính trên đây để mang lại kết quả tốt nhất.