Chim trĩ là một trong những loài thuộc họ nhà gà được bà con nông dân tìm hiểu, phát triển và nhân rộng mô hình chăn nuôi. Trĩ giàu giá trị dinh dưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó giúp nhiều gia đình thu được lợi nhuận khủng và vươn lên thoát nghèo thành công. Mặc dù thuộc họ nhà gà nhưng chim trĩ có những đặc điểm hoàn toàn khác biệt vì vậy cần phải lưu ý khi chăn nuôi. Chuồng nuôi chim trĩ có nhiều kiểu khác nhau, cần được xây dựng tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển. Xây dựng chuồng nuôi chim trĩ hiệu quả và chất lượng sẽ tạo điều kiện cho chim phát triển tốt nhất, tham khảo thêm một số cách làm chuồng chim trĩ qua bài viết sau.
Cách làm trại nuôi chim trĩ thông dụng
Vị trí và hướng chuồng
Khi nuôi chim trĩ cần quan tâm đến sự khoa học để giúp chim phát triển sinh trưởng tốt. Chim trĩ bản tính thích tìm mồi trên mặt đầt, làm tổ trên mặt đất. Chim trĩ nhát, vì vậy khi nuôi làm chuồng hoặc trang trại nên chọn nơi yên tĩnh, tránh xa khu vực dân cư, khu công nghiệp ồn ào. Nên chọn nơi cao ráo, không bị úng ngập. Địa điểm lập chuồng trại nuôi trĩ thoáng mát, xa khu vực ô nhiễm, xa dân cư. Tránh xa các khu vực có nhiều côn trùng gây hại khác như ruồi, muỗi…

Địa điểm lập chuồng trại nuôi trĩ còn phải là nơi thoáng mát, cách xa khu vực ngập tràn rác rến, ô uế, hoặc nhiều cây tạp và cỏ dại … Đó là nơi có nhiều ruồi nhặng, chuột bọ, rắn rít và nhiều loài thú hoang khác cũng như côn trùng gây hại cho sức khoẻ của trĩ nuôi.
Theo kinh nghiệm của nhiều người thì hướng chuồng nuôi trĩ nên quay về hướng Đông hoặc hướng Đông Nam. Qua đó giúp vật nuôi nhận được nhiều sinh khí, vật nuôi của bạn sẽ mạnh khoẻ, ít bệnh hơn. Chuồng phải quay về hướng ánh nắng để giúp đón nhận sinh khí. Ánh nắng giúp tiêu diệt bớt các vi khuẩn. Ánh nắng còn giúp thêm vitamin D3 thêm nguồn dinh dưỡng giúp khung xương cứng chắc, trĩ mái đẻ sai, trứng lớn.
Nền chuồng nuôi chim trĩ
Mái của chuồng nuôi trĩ nên lợp bằng tôn lạnh, cách nền chuồng 3-4 mét. Xung quanh vách nên xây gạch, vách nên tạo thêm nhiều cửa sổ. Các cửa sổ bịt kín bằng lưới kẽm ngăn ngừa trĩ ra ngoài. Phần nền chuồng nên tráng xi măng hoặc lót gạch giúp dễ dàng vệ sinh khi cần thiết.
Sân tắm nắng
Khu chuồng trại nuôi trĩ tập thể ta cần phải tạo sân nắng để mỗi sáng các chim hậu bị hay chim sinh sản được tự do ra đó đi lại, vận động ngoài trời dưới ánh nắng ban mai ấp áp. Nhờ hằng ngày được tự do vận động ngoài trời như vậy nên trĩ nuôi mới có cơ hội tốt để tăng thêm sức đề kháng mà sinh trưởng tốt hơn.

Sân nắng là khu đất trống nằm tiếp giáp với chuồng nuôi chim trĩ, có trổ cửa thông nhau. Bao quanh sân nắng, kể cả phần nóc bên trên phải được phủ kín bằng lưới B40 hoặc lưới kẽm. Nhờ đó mà trĩ không thể đào thoát ra ngoài. Diện tích sân nắng rộng hẹp bao nhiêu là còn tuỳ thuộc vào cuộc đất, vào nhu cầu thực tế và tuỳ vào ý thích của chủ nuôi. Có điều sân nắng làm rộng quá sẽ tốn nhiều phí. Tuy nhiên nếu làm hẹp quá lại không đủ chỗ cho đàn trĩ vận động thoải mái. Điều cần là sân nắng cần phải có độ cao trên 2m mới tốt.
Các kiểu chuồng nuôi chim trĩ khác nên biết
– Chuồng úm: dành cho chim con mới nở, lồng úm phải có nhiệt độ ấm áp giúp chim con phát triển. Chuồng có dạng hình khối vuông/khối chữ nhật, 0,5 x 1m hoặc 0,6 x 1m. Chiều cao 40-50cm. Chuồng úm phải kín gió để tránh gió lùa vào ảnh hưởng đến sức khỏe của chim non.
– Chuồng nuôi chim trĩ lứa: loại chuồng này dành cho chim trĩ từ ba tháng tuổi đến năm tháng tuổi. Thời điểm này chim trĩ phát triển rất nhanh nên cần quan tâm chăm sóc tốt.

– Chuồng tập thể: chuồng nuôi chung, nền chuồng tráng xi măng hoặc lót gạch tiện hơn cho khâu làm vệ sinh chuồng, Nền chuồng lót một lớp dày độ 15cm rơm rạ khô, lớp vỏ trấu giúp giữ cho móng chim êm ái. Vách chuồng ghép kín bằng ván gỗ hoặc tôn. Trong chuồng nên có cửa sổ giúp thoáng mát vào mùa hè. Cửa sổ phủ kín bằng lưới tránh chim ra ngoài và bên ngoài xâm nhập vào.
– Chuồng nuôi chim trĩ lấy thịt: không gian chuồng nên chật, 1 mét vuông nuôi 2,3 cá thể. Mục đích chính khi nuôi là cho chim trĩ tăng cân nên cần cho chúng ăn nhiều, ít cho chúng vận động. Trong chuồng nên làm giàn cho chim. Nền chuồng nên trải thêm lớp vỏ trấu hoặc cát phủ bên dưới có tác dụng giúp hút ẩm. Chuồng nuôi trĩ nên cần vệ sinh thường xuyên để giúp chim trĩ kháng bệnh tật tốt hơn.