Nuôi cua biển là nghề gắn bó từ lâu đời với những người nông dân trong vùng có nguồn nước mặn lợ. Trước đây nếu muốn nuôi cua bằng con giống thì phải trông chờ vào đánh bắt tự nhiên. Do vậy thường phải đợi đến mùa có con giống ngoài tự nhiên mới có thể nuôi được. Bà con chủ yếu nuôi theo hình thức kiểu tập trung 1 vụ cua, 1 vụ tôm. Hoặc cũng có thể nuôi thả trong đầm rồi thu hoạch theo con nước.
Giờ đây nhiều nơi đã thực hiện thành công hình thức nuôi cua biển kết hợp cùng tôm sú. Mô hình này vừa giúp đa dạng hình thức nuôi cua vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con. Chính vì những lợi ích kinh tế mang lại mà mô hình này được khuyến khích và nhân rộng hơn ở nhiều nơi giúp cải thiện đời sống tốt cho bà con, tạo thu nhập ổn định.
Giá trị thu hoạch của mô hình nuôi kết hợp
Khi nuôi ghép tôm và cua, nhiều bà con sẽ lo ngại: chúng sẽ ăn thịt nhau. Con cua sẽ ăn con tôm khi lột xác và ngược lại. Điều này là không tránh khỏi. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện trên nhiều mô hình nuôi ghép tôm sú và cua, kết quả thu hoạch được với tỉ lệ sống của tôm sú khoảng 50 – 60 %; và của cua là 50- 70 %.

Vì thế, tuy tỉ lệ sống của tôm sú có thấp hơn 1 ít so với nuôi tôm bán thâm canh không ghép với cua. Nhưng khi thu hoạch, được thu thêm sản lượng cua đáng kể. Và nhờ đó lợi nhuận của mô hình cũng tăng lên. Chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 15 – 20 triệu đồng/ha/vụ so với không nuôi ghép với cua. Nhưng tiền lãi tăng lên 30 – 40 triệu đồng/ha/vụ.
Kỹ thuật nuôi tôm cua kết hợp
Mô hình kết hợp nuôi cua biển trong đầm tôm cho lợi nhuận cao. Kỹ thuật nuôi tôm sú kết hợp với Cua biển, bên cạnh các kỹ thuật cơ bản áp dụng khi nuôi tôm sú bán thâm canh, cần chú ý:
- Chuẩn bị kỹ ao nuôi
- Thời điểm thả giống
- Mật độ nuôi
- Chế độ cho ăn chăm sóc, thu hoạch
Ứng dụng mô hình kết hợp trong thực tế
Đây là cách làm phổ biến tại nhiều huyện của Cà Mau. Mô hình được anh Hồng Văn Lâu ở ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân huyện Phú Tân nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Lâu cho biết, sau khi nuôi tôm công nghiệp không hiệu quả, anh đã tận dụng các đầm hiện có cải tạo để nuôi cua. Với ao nuôi diện tích 1.700 m2, anh Lâu thả 2.000 con cua giống. Để hạn chế tình trạng cua bò sang những ao bên cạnh, anh Lâu dùng lưới mành bao ví xung quanh đầm nuôi với chiều cao khoảng 1 m.
