Việc ấp trứng vịt là một quá trình vô cùng gian nan và vất vả, nếu gia chủ không đủ kiến thức và kinh nghiệm thì sẽ thật khó mà có thể đạt được thành công với tỷ lệ trứng nở cao. Để có thể thành công khiến trứng vịt nở cần lưu ý rất nhiều yếu tố. Điển hình như chọn trứng, chọn máy ấp, áp trứng, bảo quản trứng, nhiệt độ ấp,… đều cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Nếu không rất dễ khiến trứng bị hư, thối, hoặc dù có thể nở nhưng vịt con sẽ không được khỏe mạnh. Bài viết dưới đây mình sẽ mách các bạn kỹ thuật ấp trứng vị để có thể đạt được tỷ lệ trứng nở cao, mời các bạn tham khảo nhé!
Chọn và bảo quản trứng
Để ấp trứng vịt thành công (tỷ lệ nở cao, ung ít, vịt con khỏe mạnh) cần chú ý những điểm sau: chọn trứng ấp; bao gói vận chuyển và bảo quản trứng ấp, soi trứng và theo dõi vịt nở, nhiệt độ và ẩm độ tủ ấp, phương pháp ấp trứng truyền hơi, trình tự tiến hành kỹ thuật ấp trứng.

Dù bạn chọn ấp trứng bằng phương pháp nào đi nữa thì việc chọn và bảo quản là không thể thiếu vì nó quyết định đến chất lượng và tỉ lệ nở của trứng.
Chọn trứng
Trứng vịt để ấp phải có vỏ sạch sẽ, không sần sùi, không có mầm vôi trên vỏ trứng, không có vết rạn nứt, những vết bẩn nhỏ do dính phấn hoặc đất phải chùi khô, hình dáng trứng cân đối, không được quá tròn, quá dài hoặc méo mó, trọng lượng trứng phải đạt tiêu chuẩn: vịt ta 62-58g, vịt Bắc Kinh 70-90g… Buồng khí phải ở đầu to của quả trứng, lòng đỏ có màu thẫm và di chuyển chậm, lòng trắng đặc, trong suốt, không có máu hoặc dị vật dính vào.
Bảo quản trứng
Trứng chỉ nên để ngoài từ 5-7 ngày ở nhiệt độ 15-20 độ C và độ ẩm khoảng 65 – 75%. Nếu không bảo quản ở nhiệt độ trên thì cần đưa trứng đi ấp sớm hơn (3-5 ngày đối với mùa hè).
Chuẩn bị máy để ấp trứng
Trước khi đưa trứng vịt vào ấp trước hết cần phải vệ sinh máy sạch sẽ, phun hoặc xông thuốc sát trùng (chú ý không phun thuốc sát trùng trực tiếp vào mạch điện tử điều khiển mà chỉ dùng khăn ẩm tẩm thuốc sát trùng để lau).
Xếp trứng vào khay, xếp đầu to lên trên, đầu bé hướng xuống. Nếu đưa trứng từ nơi bảo quản lạnh ra thì phải để trứng ngoài môi trường trước. Sau đó mới đưa vào máy ấp tránh làm cho trứng bị sốc nhiệt gây chết phôi. Kiểm tra lại hoạt động của máy có bình thường không. Sau đó bật máy cho máy chạy ổn định khoảng 1 tiếng sau đó mới đưa trứng vào ấp.
Bao gói và vận chuyển trứng ấp đúng quy cách
Việc bao gói và vận chuyển đúng qui cách giảm dập vỏ, tăng tỷ lệ ấp nở. Trứng được bảo quản từ lúc ấp là 5-7 ngày, nhiệt độ 15-20oC, ẩm độ 65-75%.
Soi kỹ trứng và thường xuyên theo dõi quá trình nở
- Soi trứng lần thứ nhất: soi vào lúc 7-8 ngày sau khi ấp để loại bỏ những trứng không có phôi, chết phôi, trứng dập vỡ, rạn nứt còn sót lại. Trứng tốt mạch máu sẽ phát triển như mạng nhện; trứng không có phôi thì trắng tinh, không mạch máu; trứng chết phôi có vòng máu hoặc chấm đen.

- Soi trứng lần thứ 2: 18 ngày sau khi ấp để loại bỏ trứng chết phôi, trứng thối, trứng có phôi phát triển yếu.
- Theo dõi vịt nở: Chế độ ấp tốt vịt sẽ nở đúng 28 ngày, nở rộ và tập trung. Nếu chế độ ấp không tốt như nhiệt độ cao vịt sẽ nở sớm và tỷ lệ chết cao; nhiệt độ thấp tỷ lệ chết cũng cao, nở chậm, kéo dài, lông xỉn; độ ẩm cao vịt nở ra nặng bụng và lông bẩn.
Chú ý nhiệt độ và độ ẩm của tủ ấp
- Nhiệt độ:
Nhiệt độ trứng trong pho: lúc bắt đầu vào lò là 37oC, từ 1-7 ngày là 36,5oC, 8-15 ngày 37,5-38oC, trứng ngả kép (16-20 ngày) 37,8oC, trứng ngả đơn (21-28 ngày) 38oC.
- Độ ẩm:
Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 8 từ 60-65%; ngày thứ 9-23 từ 50-55%; ngày thứ 24-28 là 65-70%.
Ấp trứng theo phương pháp truyền hơi
Ấp trứng bằng phương pháp truyền hơi (không dùng trấu thóc nóng), sử dụng để ấp trứng mới. Trứng sau khi ấp được 5, 10 và 15 ngày thì tỏa nhiệt do phôi đã phát triển. Trứng đang ấp sẽ tiếp tục phát nhiệt, làm cho trứng mới vào ấp nóng lên đến nhiệt độ cần thiết. Chú ý khi áp dụng phương pháp này cần phơi trứng ngoài nắng trước khi đưa vào ấp từ 20-30 phút; khi phơi không để trứng trực tiếp xuống sân gạch quá nóng, nên trải chiếu hoặc cót để tránh trứng bị chết phôi; khi phơi trứng cũng phải đảo liên tục để trứng nóng đều, phơi xong đem ấp ngay.
Những ngày không có nắng nên hầm pho bằng cách đưa thóc nóng vào pho ủ từ 30-40 phút. Khi pho đạt nhiệt độ 39-40oC thì lấy thóc ra, đưa trứng vào ngay.
Tiến hành quá trình ấp trứng
Thông thường ấp trứng trong pho nóng với thời gian 16-18 ngày. Nếu cho ấp 5 ngày một mẻ, thì trong pho đã có 3 mẻ trứng được ấp khoảng 5, 10 và 15 ngày. Như vậy đưa trứng mới vào ấp thì cần xếp lần lượt các mẻ như sau: Trên cùng là mẻ đã ấp được 15 ngày, kế đến là mẻ 10 ngày, 5 ngày, cuối cùng là mẻ trứng mới vào. Sau 4-6 giờ phải đảo trứng một lần. Chuyển trứng 15 ngày xuống dưới cùng, đưa trứng 10 ngày, 5 ngày, trứng mới lên theo thứ tự.

Trứng được luân chuyển như vậy cho đến khi mẻ trứng lâu nhất là 18 ngày. Sau đó chúng sẽ được chuyển ra pho lạnh, sau đó 2 ngày ta lại tiếp tục cho trứng mới vào.
Ở một số cơ sở nuôi vịt, pho ấp thường làm sàn nhiều tầng (từ 3-4 tầng). Mỗi tầng cách nhau 25-30 cm. Trên đó xếp các mẻ trứng có số ngày ấp cao hơn để trứng cũ truyền nhiệt cho trứng mới. Tùy thời tiết, nhiệt độ ngoài trời mỗi lớp trứng được xếp dày mỏng khác nhau. Nếu nhiệt độ ngoài trời cao thì xếp trứng một lớp. Trời lạnh thì xếp lên nhau 2-3 lớp để giữ nhiệt. Trong thời kỳ ấp trứng có thể đảo nhiều lần hơn. Càng về sau càng tăng thêm số lần đảo trứng. Trứng được đảo nhiều lần thì tỷ lệ nở càng cao. Đảo trứng làm từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, giữa ra rìa và ngược lại.