Cá dứa hay còn gọi là cá tra bần ít mỡ, có phần thịt trắng hồng, săn chắc nhưng lại không tanh, rất thơm ngon, bổ dưỡng. Chính vì thế cá dứa rất được ưa chuộng với giá bán trên thị trường khá cao. Mô hình nuôi trồng cá dứa vì vậy mà dần trở thành xu hướng mới. Yếu tố kỹ thuật trong nuôi cá dứa được áp dụng một cách triệt để từ khâu thả giống, cho ăn cho đến việc xác định độ mặn trong ao.
Ngoài ra người nuôi còn cần chú trọng đến yếu tố thời tiết vì nó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cá dứa. Thông thường tiết trời vào mùa mưa là thời điểm tốt nhất để thả giống, còn mùa nắng cá lại ăn rất ít. Còn nếu vào thời tiết hanh khô cá nổi đầu lên thì lại dễ chết. Đặc biệt người nuôi cần thường xuyên thay nước trong ao để giữ vệ sinh môi trường cho cá lẫn cân bằng độ pH.
Tập tính sinh sống của cá dứa
Cá dứa là loài cá nhiệt đới. Phân bố rộng ở châu Á và di trú ở sông Mekong để sinh sản. Khi cá lớn thì di chuyển về vùng cửa sông để sinh sống. Cá dứa cũng như các loại cá khác trong họ cá tra có tập tính di lưu sinh sản. Khoảng tháng 5 đến tháng 10 cá con bắt đầu di chuyển dần ra vùng cửa sông giáp biển để sinh sống.

Ngoài thức ăn chính là động vật phù du, cá dứa còn ăn trái cây, các loài cây vùng ngập mặn như trái mắm, bần, ổi…. Vì thế còn có tên là “cá tra bần”. Lúc đạt kích thước nhất định, cá quay trở lại vùng nước ngọt và di cư ngược dòng tìm nơi sinh sản…. Chính vì vậy cá dứa là một đối tượng bị săn lùng triệt để. Nguồn cá ngoài thiên nhiên bị cạn kiệt.
Giá trị kinh tế khi nuôi cá dứa
Thời gian nuôi cá dứa hơi dài so với các loại cá da trơn khác. Bù lại thịt cá dứa rất thơm ngon, bổ dưỡng. Đến mùa thu hoạch cá, mối lái về tận ao vớt cá lên cân và trả tiền liền. Người nuôi không phải mang đi bán, thậm chí chưa thu hoạch, mối đã đặt tiền cọc trước.
Qua nhiều vụ nuôi tôm kém hiệu quả, ông Nguyễn Hoàng Minh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) đi tìm nuôi loài thủy sản khác. Đối tượng nuôi được ông lựa chọn là cá dứa – một loài thủy sản chỉ có thể đánh bắt được ngoài tự nhiên nên giá bán trên thị trường rất cao.
Thay đổi mô hình nuôi cá dứa
Ban đầu, ông Minh liên hệ với nhiều ngư dân để mua cá dứa giống mà họ đánh bắt với giá từ 20.000 – 25.000 đồng/con. Sau một thời gian nuôi, với giá bán từ 150.000 – 250.000 đồng/kg (tùy trọng lượng). Vụ cá dứa đầu tiên ông Minh lãi hơn 100 triệu đồng.

Thấy lợi nhuận từ nuôi cá dứa khá lớn, năm nay ông Minh nuôi 15.000 con cá dứa (gồm 3 ao). Hiện, cá nuôi phát triển rất tốt. Ông Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ: “Thời gian qua, tôi vừa nuôi cá, vừa học hỏi. Rút kinh nghiệm để dần hoàn thiện kỹ thuật nuôi cá dứa thương phẩm theo hướng công nghiệp. Bên cạnh đó, tôi cũng phải tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Vì ở Bạc Liêu chưa có đại lý thu mua cá dứa với số lượng lớn”.
Theo ông Phan Minh Kha, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu: “Cùng với khuyến khích người dân áp dụng những mô hình kinh tế mới vào sản xuất. Thời gian qua, UBND xã luôn hỗ trợ bà con từ việc vay vốn đến hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Nhân đây, đề nghị cơ quan chức năng quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm cá dứa. Mục đích để bà con yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống”.