Gà sao có nguồn gốc xuất xứ từ vùng Nam Phi. Sau thời gian thuần hóa, gà sao đã trở thành vật nuôi thương phẩm. Thịt gà sao thơm ngon, ít mỡ, giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều hộ gia đình mở rộng mô hình chăn nuôi. Ngoài ra, chi phí nuôi gà sao thường đối thấp, nên đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đây được xem là vật chăn nuôi hiệu quả, giúp bà con nhiều nơi thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Không chỉ vậy, gà sao còn có sức đề kháng mạnh hơn so với các loại gà khác, nên rủi ro thất thoát cũng thấp. Cùng tìm hiểu kỹ thuật nuôi gà sao đem lại hiệu quả kinh tế cao qua bài viết sau đây nhé.
Đặc điểm của gà sao
Gà sao lông xám đen, điểm màu trắng nhạt, thân hình thoi, lưng hơi gù, đuôi cúp. Đầu không có mào mà thay vào đó là các mấu sừng, các mấu sừng này tăng sinh qua các tuần tuổi. Ở giai đoạn trưởng thành mấu sừng cao 1,5 – 2 cm. Da mặt và cổ gà không có lông, lớp da trần này màu xanh xa trời. Dưới cổ có yếm thịt mỏng, chân không có cựa.

Gà Sao lúc còn nhỏ nhút nhát, sợ người, sợ bóng tối, sợ tiếng động. Khi lớn chúng có thể bay lên cao cách mặt đất 6 – 10 m. Nếu được nuôi theo dạng công nghiệp thì gà mái đẻ nhiều trứng. Mỗi con mái có thể đẻ 80 – 100 quả trứng, kéo dài khoảng 6 tháng. Mùa đẻ trứng của gà thường từ tháng 4 đến tháng 10. Gà mái có nhược điểm là yếu kém khả năng nuôi giữ con. Thịt gà sao ngon, bổ dưỡng nên được người tiêu dùng ưa chuộng, và tiêu thụ mạnh nhất hiện nay tại các quán ăn, nhà hàng. Giá bán thường cao gấp 1,5 – 2 lần so với thịt gà khác.
Gà sao có nhiều ưu điểm như: sức đề kháng cao, dễ nuôi, thích nghi với nhiều vùng sinh thái, có thể nuôi nhốt hoặc thả vườn. Đặc biệt gà sao không mắc các bệnh như: marek, gumboro, leucosis. Do vậy mà gà sao không phải tiêm vắc- xin marek, không phải nhỏ gumboro. Trong dịch cúm gia cầm mấy năm vừa qua chưa thấy bệnh xuất hiện trên gà sao. Đây là một trong những đặc điểm quý của gà sao.
Các yêu cầu kỹ thuật nuôi gà sao
Chuẩn bị điều kiện nuôi
– Chuồng phải bố trí tại khu riêng, không gần nơi sinh hoạt của con người.
– Tường: Phần dưới xây bằng gạch cao khoảng 50cm tính từ mặt đất. Phần trên được bao rào bằng lưới B40 để thông thoáng.
– Mái: Tốt nhất là lợp tranh hoặc fibro xi măng, có thể lợp bằng tôn; tuy nhiên phải đảm bảo nhiệt độ theo yêu cầu ( 32 o C bên trong chuồng trại ). Phần mái phải lợp rộng vượt quá tường càng nhiều càng tốt để tránh mưa tạt vào. Thông thường tường cao 3m thì phần mái vượt rộng ra ngoài tối thiểu khoảng 1 , 2m.
– Bao quanh tường lưới B40 là các tấm rèm bạt có thể cuốn lên, hạ xuống. Nhằm mục đích chắn gió mùa đông cũng như tạo thông thoáng vào mùa hè cũng như giảm thiểu lây nhiểm bệnh tật.

– Lớp độn chuồng: Sàn rải chất độn bằng trấu hoặc phôi bào (phôi bào lưu ý các loại gỗ có mùi độc) hoặc rơm khô bằm nhỏ, có độ dày của lớp độn cở 10cm.
– Phải đảm bảo ánh sáng chiếu đến chuồng 100%.
– Máng ăn: Đảm bảo đầy đủ máng ăn để gà không chen lấn và ăn đồng đều. Trong 2 – 3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn hoặc nhựa, với kích thước 60×80 cm cho 100 gà con. Sau 3 tuần thay bằng máng ăn dài hoặc máng P50. Chiều dài máng ăn bình quân/ gà 1-2 tuần tuổi: 3-4 cm/ con, 3-6 truần tuổi: 4-5 cm/ con, giai đoạn 7- xuất chuồng 5-6 cm/con.
Kỹ thuật nuôi gà
Xử lý, vệ sinh chuồng trại
– Quét dọn sạch chuồng, dùng bơm áp suất cao để tẩy rửa toàn bộ chuồng.
– Quét vôi nồng độ 20% toàn bộ nền, tường chuồng, rải chất độn nền chuồng 10cm, xử lý vi khuẩn bằng chất tẩy clo: 1lít/1m 2 .
– Để trống chuồng 2 – 3 ngày trước khi nuôi gà mới.
Giai đoạn úm gà con
– Dùng tấm cót quây tròn, bán kính 1,5m để úm, bố trí quây trong chuồng trại.
– Trước khi đưa gà vào nuôi trong quây phải sưởi quây khoảng 5h.
– Gà mới nhận về cho uống nước khoảng 2 giờ trước khi cho ăn, không cho gà ăn ngay.
– Số lượng gà úm trong 1 quây: khoảng 400con/quây vào mùa hè, 500con/quây vào mùa đông (60 đến 70 con/m 2). Mật độ giai đoạn úm: 10 đến 15 con/m2.

– Thời gian úm: từ 1 đến 21 ngày tuổi, có thể kéo dài đến 28 ngày. Nhiệt độ trong thời gian úm: từ 29oC đến 33oC
– Thức ăn: Ngô, cám gạo, sắn, bột cá nhạt, đậu tương, hoặc các hợp chất được sản xuất chuyên cho gà, cho ăn từ 8 – 10 lần/ngày. Máng uống: nên mua máng uống dạng tròn hoặc các máng uống tự động có bán trên thị trường. Máng ăn: cần có kích thước 50 x 50 phù hợp cho khoảng 50 gà con.
– Lưu ý quan trọng: Thời gian úm gà phải cách ly tuyệt đối, người chăm sóc phải mang quần áo bảo hộ và phun thuốc khủ trùng, rắc vôi lên các lối đi vào chuồng.
Sau giai đoạn úm gà
– Ngày đầu chăn thả ra khỏi quây thì nên thả khoảng 2 giờ/ngày. Mật độ chuồng: + 10 con/1m 2. Thời gian nuôi đến khi xuất chuồng khoảng 3 tháng.
– Chế dộ dinh dưỡng: Cho ăn các loại thức ăn như trên. 1 ngày ăn từ 2 đến 3 lần vào sáng, trưa, tối. Nếu có bổ sung thêm thức ăn đạm như giun thì tỷ lệ khoảng 20% đến 25%.
– Mật độ nuôi bán chăn thả giai đoạn từ tuần thứ 8 đến xuất bán: từ 6 – 3con/m2.
Một số lưu ý khi nuôi gà sao
Trong quá trình nuôi gà sao, cần chú ý đến những đặc điểm khác biệt của gà sao so với gà thường. Vì gà sao cần có không gian rộng để chúng bay nhảy nên chuồng trại nuôi phải thiết kế đặc biệt hơn. Ngoài việc đảm bảo cho gà có sân chơi thoáng rộng, còn phải tạo lập cho chúng hệ thống sào đậu phù hợp vì chúng vẫn còn giữ lại một số bản năng hoang dã. Những chiếc sào đậu sẽ là chỗ cho chúng ngủ rất tốt vào ban đêm, là nơi chúng có thể tránh kẻ thù. Ngoài ra chuồng trại phải quây lưới xung quanh tránh gà có thể bay ra ngoài.
Gà sao thường nhút nhát, dễ bị hoảng sợ, hay bị kích động bởi môi trường xung quanh như: mưa, gió, sấm, chớp, tiếng rơi vỡ của đồ vật. Những lúc đó gà thường chạy xô đàn về góc nhà chồng đống lên nhau, hoặc kêu ầm ĩ. Vì vậy chuồng trại nên có lưới chắn ở các góc.
Gà sao rất mẫn cảm với ánh sáng, nên ban đêm phải thắp sáng để tránh cho gà khỏi những kích động bất thường. Để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này, giai đoạn dò chỉ dùng ánh sáng mờ, đủ cho gà nhìn thấy giúp chúng đỡ hoảng sợ. Gà sao là loài ăn tạp, dễ nuôi, chúng có thể tranh giành nhau bất cứ vật gì lạ trong nền chuồng như: những chiếc que hay những sợi dây… nên hay làm tổn thương niêm mạc miệng. Do vậy trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng phải nhặt bỏ những vật cứng dễ nuốt trên nền chuồng.