Gà tre là giống gà được nuôi lâu năm nhất, và phổ biển nhất ở Việt Nam. Có thể nói đây là giống gà bản địa nhỏ nhất ở Việt Nam, nhưng mang lại giá trị kinh tế rất cao. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều giống gà thương phẩm, nhưng gà tre vẫn chiếm được ưu thế mạnh trên thị trường. Một quả trứng gà tre có thể được bán ra với giá dao động 2,5-4 nghìn đồng, trong khi đó thịt gà tre có thể bán ra từ 150 đến 180 nghìn đồng/kg. Được người tiêu dùng ưa chuộng nên các hộ gia đình triển khai mô hình chăn nuôi gà tre thịt cũng mở rộng quy mô sản xuất hơn.
Đặc điểm của gà tre
Gà tre là một giống gà bản địa ở miền Nam, đặc biệt là vùng Tây Nam Bộ. Gà tre có trọng lượng nhỏ, con trống trưởng thành đạt từ 500 – 800gr/con, con mái trưởng thành đạt từ 400 – 600gr/con. Tuy nhiên chúng lại có bộ lông đẹp dài, màu sắc đa dạng, bóng mượt, ôm lấy cơ thể nên được nuôi phổ biến để làm cảnh, làm gà đá chọi.

Gà tre có sức để kháng tốt, khỏe mạnh, chất lượng thịt ngon nên nhiều năm trở lại đây được nuôi với quy mô trang trại rộng lớn để cung cấp giống, sản lượng thịt, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài giống gà tre vùng Tây Nam Bộ thì hiện nay còn có gà tre Thái, gà tre Nhật, gà tre Mỹ, gà tre Tân Châu.
Cách chọn gà tre làm giống
Người ta chọn giống gà tre từ những cá thể mới nở 1 – 3 ngày. Gà tre con đạt tiêu chuẩn là những cá thể có các đặc điểm:
– Khối lượng 15 – 18g/con
– Bộ lông màu vàng bông và sợi lông mịn đều, không loang lổ
– Nhanh nhẹn, mỏ khép kín, chân láng bóng và mạnh khỏe, bụng thon, rốn kín.
– Không có bất kì dị tật nào
– Mắt sáng, lanh lẹ, mỏ khép kín
– Nếu chọn trứng cho ấp, bà con chọn trứng của những con gà mái khỏe mạnh, không bị dị tật, nhanh nhẹn, linh hoạt; có lịch sử đẻ trứng đều và liên tục trong thời gian dài.
Chuẩn bị chuồng trại, vật dụng nuôi gà
Chuồng nuôi gà tre phải ưu tiên chọn vị trí khô ráo, thoáng mát. Hướng chuồng tốt nhất là hướng đông (đón nắng sớm buổi sáng, tránh nắng gắng buổi chiều). Tiếp đến là hướng nam và đông nam.
Chuồng úm
Trong cách nuôi gà tre con, các chủ trang trại cần thiết kế chuồng nuôi úm với điều kiện chăm sóc, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm lý tưởng nhất. Nhằm giúp tăng sức đề kháng và tỉ lệ sống sót cho đàn gà con. Chuồng nuôi gà tre con phải được chuẩn bị trước nửa tháng. Làm chuồng úm gà tre trên nền đất cao ráo, thoáng mát. Xung quanh khu vực chuồng nuôi có lưới thép B40 bao xung quanh.
Lồng úm gà tre con có kích thước 2m x 1m, chiều cao từ 0,5 – 0,6m đủ để nuôi 100 con. Sàn lồng úm có thể làm bằng lưới thép, sàn gỗ, tre, nứa chắc chắn hoặc đặt trên nền chuồng. Xung quanh lồng phải quây kín bằng cót hoặc tôn để tránh chuột, mèo, chó.
Tiến hành sát trùng chuồng nuôi và lồng úm trước khi thả gà con. Có thể dùng Formol 2%, vôi bột hoặc crezin, hanlamind. Chất độn chuồng có thể dùng vỏ trấu hoặc mùn cưa, rơm rạ khô. Dùng rơm khô gà sẽ đẹp mã hơn, không bị ướt. Nhưng phải chú ý thay 2 – 3 ngày/lần để đảm bảo chuồng luôn khô thoáng. Chất độn phải được phơi khô hoàn toàn, phun sát trùng bằng thuốc tím. Rải chất độn trong chuồng với độ dày từ 8 – 10cm. Tiến hành rải chất độn chuồng trước 72 giờ khi thả gà con.
Mật độ nuôi gà tre
Mật độ nuôi gà là yếu tố tiếp theo bà con cần cân nhắc để từ đó biết được diện tích chuồng trại của mình xây dựng nên sẽ nuôi được đàn gà như thế nào thì hợp lý:
– Mật độ nuôi nhốt hoàn toàn: 8 – 10 con/m2
– Mật độ nuôi theo mô hình bán tự nhiên: 1 – 1.2 con/m2(bao gồm cả diện tích thả vườn)
Nguyên vật liệu làm chuồng
Vật liệu làm chuồng gà rất đa dạng, bà con có thể tận dụng các nguồn vật liệu có sẵn của gia đình và vật liệu dễ tiếp cận ở địa phương. Tuy nhiên, nếu hướng đến tiêu chí sử dụng lâu dài và muốn thuận tiện trong quá trình vệ sinh, chuồng làm bằng khung sắt bọc lưới thép hiện vẫn có ưu thế hơn cả. Chuồng nuôi nên có chân cao 0.4 – 0.5m để vừa thoáng mát vừa hạn chế ảnh hưởng của các loài động vật gây hại như rắn, chuột…
Chuẩn bị máng thức ăn và máng nước cho gà tre
Bà con trang bị máng thức ăn và máng nước cho đàn gà ở bên trong chuồng. Nếu nuôi nhốt thì có thể thiết kế máng gắn vào thành chuồng bên ngoài. Nên có chỗ cho gà thò đầu ra để ăn uống dễ dàng. Máng nên được làm từ các vật liệu dẻo như nhựa, cao su để tránh gà (đặc biệt là gà con) bị thương.

Kích thước máng tương ứng với kích thước chuồng nuôi và mật độ nuôi gà. Kích thước tham khảo là 40x5x5cm đối với gà lớn và 30x3x3cm đối với gà con. Nên đặt máng ăn uống ở vị trí mà tất cả các gà đều có thể tiếp cận. Bề mặt máng nên bọc lưới ô vuông để tránh gà bới làm rơi vãi, lãng phí thức ăn.
Những dụng cụ khác
Ngoài ra khi nuôi gà tre thương phẩm, trong chuồng nuôi bà con cần bố trí thêm dàn đậu cách nền chuồng 0,5m, mỗi dàn cách nhau 0,3 – 0,4m. Bên ngoài sân chơi bố trí bãi tắm cát, máng cát sỏi với kích thước bể dài 2 m, rộng 1m, cao 0,3m để nuôi 40 gà.
Đối với gà tre đẻ, tốt nhất là để chúng có môi trường sống thật thoải mái, sạch sẽ. Gà tre mẹ được đi lại, chạy loanh quanh trong vườn. Nếu nuôi gà tre ở trong chuồng trại, bạn cần bố trí không gian đủ rộng để gà tre đi lại không bị gò bó.
Kỹ thuật nuôi gà tre theo từng giai đoạn
Từ khi mới nở đến lúc được 1 tháng tuổi
Từ 1 – 2 ngày đầu mới nở chỉ cho gà uống nước pha Electrotyle hoặc Vitamin C. Kết hợp với ăn tấm nấu chín hoặc tấm trộn cùng với ngô đập vỡ mảnh đã ngâm cho mềm nhuyễn. Cho ăn 4 – 5 bữa/ ngày. Ngày thứ 3 tăng dần lượng thức ăn. 7 ngày tuổi trở đi pha thuốc cầu trùng vào thức ăn để phòng bệnh cầu trùng, cho ăn. Bà con nên dùng Rigecoccin 1gr/10 kg thức ăn (hoặc dùng Sulfamid trộn tỷ lệ 5%).
Giai đoạn từ 7 – 21 ngày tuổi tiếp tục cho ăn tấm gạo. Từ trên 22 ngày tuổi, tập cho gà tre con ăn thóc, ngô vỡ mảnh, cơm, cám viên tự ép… Từ trên 1 tháng tuổi, gà con đã bắt đầu thích nghi dần với nhiệt độ và môi trường xung quanh. Do đó nên cho gà ra ngoài sân tắm nắng, tắm đất giúp tăng sức đề kháng.
Từ 1 – 2 tháng tuổi
Từ 1 – 2 tháng tuổi, gà tre bắt đầu giai đoạn “mặc áo” với những biểu hiện nở mình, bung lông trông rất dễ thương. Khi cầm sẽ có cảm giác như một cục bông gòn.
Từ 2- 5 tháng tuổi
Đây là giai đoạn gà tre phân biệt giới tính. Gà trống tập gáy, trổ mã, trổ hình, bộ lông phát triển nhanh. Giai đoạn này cần nuôi tách riêng ra để tạo điều kiện cho gà tre nở mình, bộ lông phát triển đầy đủ, sung mãn nhất.
Gà mái cũng cần được chú ý, đặc biệt là thành phần dinh dưỡng để đảm bảo quá trình sinh sản tốt nhất. Nuôi gà tre mấy tháng thì đẻ? Gà tre mái nuôi đạt 4 – 4,5 tháng tuổi sẽ thay đổi và phát triển phần đuôi giúp bộ lông hoàn thiện nhất. Nuôi tiếp đến 5,5 – 6 tháng tuổi là bắt đầu đẻ trứng. Cũng có một số trường hợp gà tre mái đến tháng thứ 8 bắt đầu đẻ.
Thức ăn dành cho gà tre
Bà con cần thay thức ăn hàng ngày cho đàn gà do gà tre nhạy cảm với thức ăn mốc, ôi thiu. Trong chăn nuôi thương phẩm, thức ăn thường dùng cho gà tre gồm: cám công nghiệp, ngô xay, tấm, các phế phẩm công nghiệp, rau, giun đất, sạn sỏi nhỏ có kích thước dưới 0.5cm.

Bà con có thể tự sản xuất cám viên cho gà tre từ các loại hạt ngũ cốc xay nghiền; phối trộn cùng với rau xanh, cua, ốc nghiền nhuyễn, vitamin, premix khoáng sau đó cho vào máy ép cám viên. Nguồn thức ăn tự sản xuất vừa an toàn, sạch sẽ, đảm bảo chất lượng vừa giúp gà ăn ngon miệng. Lại không bị lãng phí, không béo phì và gây hại như cám công nghiệp.
Phòng bệnh cho gà
Cách phòng tránh tốt nhất cho đàn gà tre là cho ăn, uống sạch, bố trí chỗ ở sạch sẽ. Chuồng trại cần được tiêu độc, khử trùng, dọn dẹp sạch sẽ trước khi cho gà vào nuôi. Hàng ngày cần thay rửa máng ăn máng uống, dọn dẹp hết thức ăn thừa, không để thức ăn vương vãi lung tung gây hại cho sức khỏe của gà.
Các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn máng uống, xe rùa, thùng, xô, chổi… cần được tẩy uế định kỳ bằng các loại thuốc sát trùng. Ví dụ như Cresyl, bằng dung dịch Formol. Hoặc đun sôi nước lên dội qua để làm sạch, tẩy ký sinh trùng, vi khuẩn, mầm bệnh. Nếu chất độn chuồng bị ướt thì phải thay. ặc biệt là khi dùng chất độn chuồng bằng rơm tránh gây bệnh cho gà tre con.
Song song với đó, bà con tiến hành tiêm chủng vacxin và dùng các loại kháng sinh (Newcastle, Gumboro, đậu gà, cúm, tụ huyết trùng, cầu trùng, thương hàn…) với liều lượng hợp lý cho gà. Đối với gà đẻ, bà con chú ý tiêm phòng trước thời gian gà đẻ trứng. Để không ảnh hưởng đến chất lượng trứng hoặc gà con.
Mong rằng, những kiến thức mà chúng tôi cung cấp có thể giúp ích cho bà con trong việc bắt tay vào nuôi gà tre theo hướng thương phẩm, còn những bà con đã và đang nuôi thì sẽ mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi để đạt được lợi nhuận cao hơn nữa.