Nuôi tôm sú luân canh với trồng lúa là một mô hình khá phổ biến trong nhiều năm nay. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể áp dụng được mô hình này một cách dễ dàng, nhất là đối với những ai mới tập nuôi tôm trong thời gian gần đây. Việc nuôi tôm sú luân canh trồng lúa không quá khó, tuy nhiên bước đầu tiên và quan trọng nhất là người nuôi cần phải biết cách để xây dựng và cải tạo lại ruộng lúa sau thu hoạch để nuôi tôm sao cho đúng. Ngoài ra, mô hình nuôi tôm sú luân canh cũng sẽ có nhiều điểm khác biệt so với những mô hình thông thường. Do đó, người nuôi cần phải tìm hiểu thật kỹ toàn bộ thông tin về việc nuôi tôm sú luân canh trồng lúa trước khi muốn bắt tay thực hiện.
Cách bố trí mùa vụ nuôi tôm sú
Từ tháng 1 (Dương Lịch) đến tháng 5, 6 (Dương Lịch) là thời vụ thả nuôi tôm sú chính. Đến tháng 7 (Dương Lịch) thì có thể tiến hành rửa mặn. Sau đó từ tháng 8 đến tháng 11 thì trồng lúa và có thể thả cá bổ sung.
Giữa 2 vụ tôm – lúa nên giữ nước ngập chân ruộng. Tránh để chân ruộng bị khô và nứt chân chim. Bởi vì việc này có thể dẫn đến hiện tượng xì phèn làm cho mật độ pH thấp. Như vậy sẽ không thích hợp để thả nuôi tôm sú.
Hướng dẫn cách xây dựng ruộng
Mỗi ruộng nuôi phải có bờ và mương bao xung quanh. Đỉnh bờ phải được xây cao hơn mực nước lũ trong năm ít nhất 0,5 m trở lên. Phần mương bao rộng từ 3 – 4m phải nện thật chặt nền để tránh rò rỉ. Mương phải đạt độ sâu từ 1 – 1,2 m. Ngoài ra, mỗi ruộng nuôi nên có ao lắng nước diện tích bằng 20 – 30% diện tích nuôi
Đặc biệt ruộng nuôi tôm sú phải có cống để cấp thoát nước . Đối với vùng đất phèn nên tránh việc đắp lớp nước phèn lên mặt bờ mương. Thay vào đó, người nuôi tôm nên làm một bờ phụ trên bờ kinh. Việc này nhằm để ngăn chặn nước mưa cuốn phèn từ bờ xuống ao

Người nuôi cần phải vét bùn đối với ruộng đã nuôi nhiều vụ. Còn đối với ruộng mới đào, ao thì nên ngâm nước 2 – 3 ngày rồi bỏ. Lặp lại việc này ít nhất 2 – 3 lần. Ngoài ra, người nuôi còn cần loại bỏ bớt gốc rạ, trục hoặc xới trên mặt ruộng. Việc này nhằm giúp loại bỏ khí độc ở bên dưới. Đồng thời nó còn giúp làm tăng dinh dưỡng cho ruộng nuôi tô. Sau đó hãy tiến hành phơi khô mặt ruộng nhưng cần tránh để mặt ruộng khô nứt.
Các bước chuẩn bị nuôi tôm sú
Tạo môi trường tốt để nuôi tôm sú
Sau mỗi vụ nuôi, cải tạo kỹ để giảm thiểu các chất độc hại, mầm bệnh,… tạo môi trường tốt cho tôm sinh trưởng theo các bước sau:
– Làm sạch gốc rạ trên ruộng.
– Sên vét lớp bùn đen ở dưới ao, gia cố bờ bao , cống bọng.
– Dùng vôi CaO rải đều khắp ruộng với liều lượng 7 – 10 kg/100m2.
– Phơi ruộng 5 – 7 ngày , không để nứt đất.
– Lấy nước vào ruộng.
Lưu ý : Người nuôi tôm nên dùng vôi bột bón khắp mương và bờ ruộng. Sau khoảng 2 đến 3 ngày thì cấp nước vào ruộng nuôi. Ngoài ra, người nuôi cần sử dụng vôi CaCO3 để khử phèn và diệt khuẩn. Nên dùng vôi CaCO3 với liều lượng 7-10 kg/100m2. Đối với vùng bị nhiễm phèn nặng thì tăng liều lượng từ 10 – 20 kg/100m2.
Cách để lấy nước vào ruộng
Sau khi phơi đất , giai đoạn lấy nước vào ruộng nuôi cũng quan trọng:
– Nước được lấy từ ao lắng hay bơm trực tiếp từ kênh cấp qua túi lọc. Việc này được thực hiện nhằm để hạn chế cá và dịch hại.
– Cần lưu ý khi lấy nước: Nước có độ mặn ≥ 5‰, pH ≥ 7, độ kiềm ≥ 30 mg/lít. Nước không phát sáng và phải có chứa ít phù sa.
– Lượng nước lấy vào phải ngập mặt ruộng từ 0,5 m trở lên.

Gây màu nước có thể dùng các loại phân vô cơ như DAP, NPK hoặc Ure + Lân (tỷ lệ 1:1) với liều lượng 15 – 20 kg/ha để gây màu nước. Có thể gây màu bằng phân hữu cơ tự chế như 3 kg cám gạo + 1 kg bột cá + 1 kg bột đậu nành. Nấu chín hỗn hợp này rồi tiến hành tạt cho 1000 m3 vào lúc trời nắng.
Khi các yếu tố về chất lượng nước đạt các thông số như: Độ trong từ 30 – 40 cm (nước có màu xanh vỏ đậu); pH từ 7,5 – 8,5… thì có thể tiến hành thả tôm.
Chọn và thả tôm sú giống xuống ruộng nuôi
– Quan sát thấy tôm sú giống tỏ ra linh hoạt, khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sáng, râu chụm lại, đuôi xòe khi bơi lội, phản xạ nhanh nhẹn, phân bổ đều trong bể nuôi, hình dáng thon dài, ruột đầy thức ăn (màu nâu dọc theo lưng ,khả năng bắt mồi tốt), tỉ lệ tòe đầu nhỏ hơn 10%. Kiểm tra khả năng thích nghi trong môi trường thay đổi nồng độ mặn bằng cách thả một ít tôm giống vào nước đã giảm một nửa độ mặn thông thường. Sau 1-2 giờ nếu thấy số tôm giống bị “sốc” chết chỉ chiếm từ 0 – 10% (tốt), 11-35% (khá), trên 35% là tôm giống không tốt
– Nên chọn mua ở các trang trại có uy tín và giống đã thông qua kiểm dịch
– Trước khi thả tôm ít nhất 01 ngày kiểm tra các yếu tố môi trường và điều chình cho phù hợp. Có thể thả vào ao ương thuần dưỡng 15 – 20 ngày rối mới thả ra ao nuôi. Trong điều kiện ruộng nuôi chuẩn bị tốt thì có thể thả trực tiếp tôm vào ruộng. Thời điểm thả: 6- 7h sáng hoặc 5 – 6 h chiều. Lưu ý không thả giống lúc trời sắp mưa hoặc đang mưa. Mật độ thả là từ 7 đến 10 con/m2. Nếu ruộng có cá tạp, nên thuốc cá trước khi thả tôm giống. Kiểm tra độ mặn trước khi thả giống tránh chênh lệch độ mặn quá 4%.
Cách để quản lý môi trường nuôi tôm
– Quản lý màu nước:
+ Bón phân hoặc các hợp chất gây màu khác trong 2 tháng đầu.
+ Khi có dấu hiệu tảo tàn thì thay 30% nước hoặc sử dụng men vi sinh.
– Quản lý nền đáy ao:
+ Định kỳ bón Dolomite, Zeolite kết hợp với men vi sinh.
+ Định kỳ kiểm tra đáy ao.
+ Vớt tảo tàn trên mặt nước.
+ Điều chỉnh thức ăn hợp lý.
– Kiểm tra môi trường nước như:
+ pH nước nên ở mức 7,5 – 8,5.
+ pH< 7,5 : bón 30 – 50kg CaCO3/ha.
+ Độ trong : 30 – 40 cm.
+ Nhiệt độ không quá 30 độ C.
Các loại thức ăn cho tôm sú
Trong mô hình nuôi tôm luân canh với trồng lúa, thức ăn tự nhiên chiếm một phần quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng cho tôm sinh trưởng. Do vậy, trong tháng đầu của chu kỳ nuôi cần định kỳ 10 – 15 ngày bón phân cho ruộng. Việc này nhằm để duy trì màu nước tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.

Từ tháng thứ 2 trở đi cần bổ sung thức ăn công nghiệp. Cho tôm ăn mỗi ngày 2 lần vào 6 – 7h sáng và 5h – 6h chiều. Lượng thức ăn chiếm 3 – 1,5% trọng lượng thân. Cụ thể: Tháng thứ 2 là 3%; tháng thứ 3 là 2,5%; tháng thứ 4 trở đi cho ăn từ 1,5 – 2%.
Kết hợp đặt sàng ăn trong ruộng để kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý cho tôm. Ngoài ra còn căn cứ vào điều kiện môi trường, thời tiết, tình trạng sức khỏe của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn trong ngày. Nên giảm lượng thức ăn khi điều kiện môi trường, thời tiết diễn biến theo hướng xấu như: Đáy ao dơ, pH giảm, mưa lớn,…
Cách đánh giá sức khỏe của tôm khi nuôi
– Tôm khỏe: Bắt mồi tốt, ruột đầy thức ăn. Những con tôm khỏe sẽ bơi lội nhanh và thành đàn vào ban đêm. Bên cạnh đó, khi bạn quan sát sẽ thấy vỏ tôm sạch.
– Tôm yếu: Tôm không khỏe sẽ có khả năng bắt mồi kém, ruột trống rỗng. Bên cạnh đó, tôm sẽ có dấu hiện trôi dạt vào bờ, vỏ tôm không sạch. Lúc này, vỏ tôm sẽ có màu đen hay có đốm trắng, nhất là phần đầu.