Vịt chuyên thịt là loại vịt có tiềm năng để phát triển kinh tế vô cùng lớn. Rất nhiều hộ gia đình đã chọn giống vịt này làm vật nuôi chính tại các trang trại quy mô lớn. Trong nước ta, các chuyên gia đã nghiên cứu ra giống vịt chuyên thịt có năng suất rất cao, chỉ nuôi chưa đến 2 tháng đã có thể đạt được trọng lượng từ 3-4 kg, cao hơn rất nhiều so với các loại vịt khác. Để có thể nuôi loại vịt này đạt được hiệu quả tốt nhất, các yếu tố trong quá trình nuôi rất quan trọng. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ đề cập đến cách nuôi vịt con chuyên thịt đạt năng suất cao.
Yếu tố ánh sáng

Thời gian chiếu sáng trong 2 tuần đầu: 23-24 giờ/ngày, dùng bóng điện treo cách nền chuồng 0,3- 0,5m. Sau đó mỗi ngày giảm 01 giờ chiếu sáng đến khi đạt 14- 15 giờ/ngày. Từ tuần tuổi thứ 5 trở đi sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Chế độ chiếu sáng
Trong tuần đầu, số giờ chiếu sáng là 23-24 giờ/ngày, các tuần tiếp theo giảm giờ chiếu sáng và cường độ chiếu sáng. Nếu dùng ánh sáng nhân tạo nên dùng ánh sáng mờ đủ để vịt tìm đến máng ăn, máng uống, vịt vận động ít sẽ hấp thụ thức ăn nhiều giúp cho khả năng tăng khối lượng nhanh.
Nhiệt độ
Để đảm bảo cho vịt khoẻ nhiệt độ chuồng nuôi cần đạt là:
+ Từ 1 – 3 ngày tuổi: 28 – 32oC.
+ Từ ngày thứ 4 mỗi ngày giảm 1oC cho đến khi đủ nhiệt độ bình thường.
Nhiệt độ chuồng nuôi được đo ở độ cao phía trên đầu vịt. Trung bình cứ 200W cho 75 vịt con và 140 vịt con cho 1m2 chụp sưởi. Những nơi không có điện cần sưởi ấm bằng đèn, nước nóng, bếp trấu, bếp than nhưng phải hạn chế khí cacbonic.
Độ ẩm: Độ ẩm thích hợp để nuôi vịt giai đoạn úm trong khoảng 60 – 65%. Nếu kiểm tra thấy chất độn chuồng bị ướt phải thay ngay.
Đảm bảo sự thông thoáng

Trong tuần đầu, lượng khí thải của vịt con không đáng kể nên mức độ trao đổi không khí thấp. Từ tuần thứ hai trở đi mức độ thông thoáng cần đáp ứng: 1m3 không khí/giờ/1kg khối lượng cơ thể. Điều kiện môi trường nuôi ngột ngạt có thể làm cho bệnh tật phát sinh, đặc biệt là bệnh nấm phổi. Chuồng nuôi luôn đảm bảo thông thoáng tốt, nhưng phải tránh gió lùa.
Chế độ ăn
Thức ăn đảm bảo chất lượng:
– Protein: 20-22%
– Năng lượng trao đổi: 2850-2950 Kcal/kg.
Nếu nuôi vịt thương phẩm từ 29 ngày tuổi đến khi giết thịt thức ăn đảm bảo:
– Protein: 17-18%
– Năng lượng trao đổi: 2900-3100 Kcal/kg.
Có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên hoặc dùng gạo lật nấu cơm (giai đoạn vịt nhỏ), thóc luộc, ngô bung, thóc sống (giai đoạn vịt lớn) trộn với bột cá, đỗ tương, Premik VTM, khoáng hoặc mồi tươi như tôm, tép, cá, cua, ốc, giun đất, don dắt,… Có thể sử dụng bổ sung hoặc thay thế thêm rau xanh, bã bia cho vịt ăn.
Vịt nuôi thương phẩm cho ăn tự do, nên kết thúc ở 7-8 tuần tuổi (giết thịt hoặc xuất bán).
Nuôi vịt bố mẹ sinh sản ngày đầu cho ăn 5g/con/ngày, sau đó mỗi ngày cộng thêm 5g đến 28 ngày tuổi. Từ 29 – 56 ngày tuổi cho ăn 140g/con/ngày.
Vịt giống kết thúc ở 8 tuần chọn vịt chuyển lên hậu bị. Khối lượng vịt giống ở 56 ngày tuổi khống chế trong khoảng 1,8-2,2 kg là tốt nhất.
Chọn vịt để tỷ lệ đực mái là 1/4 – 1/5.
Chuồng nuôi
Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Độn chuồng bằng trấu, phoi bào hoặc rơm, rạ khô không bị hôi, mốc.
Thường xuyên bổ sung thêm chất độn chuồng. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để nhốt và nuôi vịt như: vây, ràng hoặc cót, máng ăn, uống hoặc mẹt tre, tấm nilon thay cho máng ăn hoặc máng uống làm sao khi cho vịt ăn tất cả đều được ăn uống. Thường xuyên phải vệ sinh máng ăn, máng uống, chuồng trại và sân chơi. Nhiệt độ chuồng nuôi 5 ngày đầu đảm bảo 28-32oC sau đó giảm dần đến ngày thứ 10 trở đi đạt 22-26oC.