Từ trước đến nay, Đức vốn là quốc gia dẫn đầu trong ngành sản xuất thịt heo tại EU, thế nhưng tình hình hiện nay đã có nhiều xoay chuyển khi Tây Ban Nha đang từng bước vượt lên dẫn đầu sau khi Đức bị “rớt hạng” do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch tả heo châu Phi (ASF) khiến cho thị trường sản xuất và xuất khẩu thịt heo của nước này chưa kịp phục hồi nhanh chóng. Không chỉ thế, dưới sức ép của dịch ASF, nhu cầu nhập khẩu thịt heo từ các nước của Trung Quốc cũng ngày càng tăng vọt, là một cơ hội tốt cho các nước EU. Điều này càng thúc đẩy cho ngành sản xuất và xuất khẩu thịt heo của Tây Ban Nha mở rộng, phát triển hơn nữa ra thị trường quốc tế.
Tây Ban Nha trở thành nhà sản xuất thịt heo hàng đầu EU
Khi còn là một đứa trẻ sống tại bang Avila, bố của ông Albert Pascual đã nuôi 100 con heo. Hiện tại, công ty của ông đang có hơn 9.000 con heo. Điều này là nhờ vào một phần của sự mở rộng lớn giúp Tây Ban Nha trên đà vượt qua nhà sản xuất thịt heo hàng đầu của khu vực trong năm nay.
“Bố tôi đã từng bán heo vào những năm 1990, khi lĩnh vực này chưa thực sự tồn tại. Bây giờ chúng tôi (Tây Ban Nha) là một cường quốc thế giới. Chúng tôi đã phát triển rất nhiều và công ty của chúng tôi đã phát triển song song với sự tăng trưởng và lớn mạnh của lĩnh vực này”, ông Pascual nói.
Theo Reuters, Đức vẫn luôn trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất thịt heo lớn của EU. Thế nhưng, có sự thay đổi kể từ đợt bùng phát dịch ASF vào tháng 9/2020 ở heo rừng. Dịch ASF khiến cho nước này mất quyền tiếp cận thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc.
Điều đó đã thúc đẩy sự chuyển dịch sản xuất của EU sang Tây Ban Nha. Bởi nơi đây không có sự tồn tại của virus ASF, điều này hoàn toàn là một lợi thế. Và sự dịch chuyển này đã và đang được tiến hành rất thuận lợi. Đó là nhờ các quy định ít rắc rối trong các lĩnh vực như quy hoạch và sử dụng phân thải của nước này.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường thịt heo của Tây Ban Nha đang trên đà phát triển. Quốc gia này sẽ trở thành nhà sản xuất thịt heo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Tây Ban Nha sẽ giành lấy vị trí dẫn đầu từ Đức.
Thị trường xuất khẩu thịt heo tiềm năng của EU
Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), tính tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với các sản phẩm từ heo của EU. Quốc gia này chiếm khoảng 56% doanh số bán hàng của thị trường thịt heo EU.
Nhu cầu của quốc gia châu Á với thịt heo nhập khẩu tăng vọt sau khi dịch ASF bùng phát. Đồng thời, nó đã tàn phá đàn heo khổng lồ của quốc gia này. Trong khi đó, đây lại là đàn heo lớn nhất thế giới.
“Thực tế là trong những năm gần đây, ảnh hưởng của dịch ASF đã khiến nhu cầu tại Trung Quốc tăng vọt”, ông Ramon Soler Ciurana, giám đốc xuất khẩu của Faccsa-Prolongo, một nhà sản xuất thịt heo ở Malaga, miền nam Tây Ban Nha, cho biết. Công ty Faccsa-Prolongo đang mở rộng các cơ sở đóng gói và cấp đông thịt heo.

Xuất khẩu sản phẩm từ heo của EU sang Trung Quốc đạt tổng cộng 3,34 triệu tấn trong năm ngoái. Tổng giá trị xuất khẩu tăng hơn 60% so với 2,31 triệu trong năm 2019. Đồng thời, con số này còn tăng gấp gần 3 lần so với 1,28 triệu của năm 2018. Xuất khẩu vẫn ở mức cao trong năm nay. Trị giá xuất khẩu đạt tổng cộng 1,86 triệu USD trong 7 tháng đầu năm. Con số này chỉ giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2020.
“Điều hiển nhiên trong ngành công nghiệp là Trung Quốc, dù họ có nỗ lực đến đâu hay cố gắng tìm ra các giải pháp thay thế, sẽ không thể trở lại bình thường trong vòng 4 năm”, ông Soler nhận định.
Thị trường thịt heo Tây Ban Nha trở nên hấp dẫn
Công ty Toennies của Đức là một trong số những công ty đầu tư vào Tây Ban Nha, theo thepigsite. Công ty chế biến thịt heo này có trụ sở tại Rheda-Wiedenbrück ở phía tây nước Đức. Hiện tại, Toennies đang xây dựng một nhà máy đóng gói và giết mổ thịt ở Calamocha, Tây Ban Nha. Chi phí xây dựng ước tính khoảng 75 triệu euro (tương đương 87 triệu USD).
Cơ sở này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2023 sắp tới. Dự kiến nhà máy sẽ giết mổ 2,4 triệu con mỗi năm. Có khoảng 1.000 việc làm được tạo ra tại nơi này.
Ông Andre Vielstaedte là người phát ngôn của Toennies đã đưa ra một số chia sẻ về việc này. Theo đó, ông cho biết thị trường thịt heo ở Tây Ban Nha đang có vẻ hấp dẫn. Bên cạnh đó, tình hình chính trị nơi đây cũng có nhiều điểm tích cực.

“Nhà máy mới ở Tây Ban Nha của chúng tôi sẽ chỉ nhằm mục đích xuất khẩu sang các thị trường, với sườn heo chuyển đến Bắc Mỹ, thịt bụng sang Nhật Bản và các sản phẩm khác như chân và tai heo sang Trung Quốc và các nơi khác ở châu Á”, ông Vielstaedte nói thêm.
Theo ông Vielstaedte, Đức vẫn là thị trường cốt lõi của công ty. Dịch ASF chỉ là một yếu tố khiến nó kém hấp dẫn hơn đối với ngành chăn nuôi heo và tiếp thị thịt heo ra thị trường quốc tế.