Dịch tả ở vịt được biết đến là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây lan nhanh trên vịt. Bệnh nếu không xử lý kịp thời và đúng cách sẽ gây nên thiệt hại to lớn, do tỷ lệ chết cao và làm giảm năng suất đẻ trứng. Chính vì vậy, để nhận biết bệnh dịch tả trên vịt và cách phòng, chống hiệu quả. Bà con cần phát hiện sớm các triệu chứng bệnh, để kịp thời chăm sóc và xử lý bệnh cho đàn vịt. Dưới đây là thông tin về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng bệnh dịch tả ở vịt. Bà con hãy cùng tham khảo qua để trang bị thêm kiến thức chăn nuôi nhé!
Nguyên nhân và đặc điểm nhận biết bệnh dịch tả ở vịt
Do một loại virus chứa AND thuộc Herpesvirus gây ra. Virus chỉ có một chủng huyết thanh duy nhất nhưng do độc lực khác nhau nên được chia làm 3 nhóm: độc lực rất cao, độc lực trung bình và ít độc. Bệnh có thể lây lan do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh; lây gián tiếp qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp; hoặc lây lan qua đường truyền dọc.

Vịt có thể mắc bệnh ở mọi lứa tuổi, từ 7 ngày tuổi đến lúc trưởng thành. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè và thường ghép với bệnh viêm hoại tử gan làm vịt chết nhanh và nhiều. Bệnh gây tỷ lệ chết rất cao 30 – 90%. Trong tự nhiên vịt là loài mẫn cảm nhất, tất cả các giống vịt ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Ngoài ra các loài thủy cầm khác như vịt trời, ngan, ngỗng, thiên nga cũng nhiễm bệnh.
Triệu chứng phát bệnh
Bệnh xảy ra ở vịt nhiều nhất từ 15 ngày tuổi trở đi. Thời gian ủ bệnh 3 – 7 ngày. Ban đầu vịt có triệu chứng bỏ ăn, ít vận động và không muốn xuống nước. Mí mắt sưng, dính; niêm mạc mắt đỏ; có tiếng thở khò khè; chảy nước mũi; khát nước, xù lông. Vùng đầu, cổ bị sưng, khi sờ thấy mềm, hầu và cổ cũng có thể bị sưng do tổ chức dưới da bị phù thũng.
Sau 2 – 3 ngày bị bệnh, vịt uống nhiều nước, sau 3 – 4 ngày thấy vịt đi ỉa chảy nhiều, phân loãng, màu trắng, mùi hôi thối, phân dính bết ở hậu môn. Vịt gầy, hai chân bị liệt, cánh bị liệt sệ xuống. Vịt chết chảy máu ở các lỗ tự nhiên. Sau khi xuất hiện triệu chứng, con vật chết trong vòng 1 – 5 ngày, vịt chết nhanh, đột ngột; tỷ lệ đẻ giảm 25 – 40%; vịt trống bị sa dịch hoàn. Tỷ lệ vịt ốm tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và độc lực của virus.
Những cách phòng bệnh hiệu quả
- Chuồng trại: Ðảm bảo khô ráo, thoáng mát, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Diện tích chuồng nuôi phù hợp với quy mô chăn nuôi. Phải có hố thuốc sát trùng trước cửa chuồng nuôi và có chuồng nuôi cách ly đàn vịt mới mua về hoặc đàn vịt ốm.
- Con giống: Nhập con giống khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, từ những trang trại an toàn dịch, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y cấp. Vịt mới mua về phải nuôi cách ly 15 ngày để theo dõi.
- Chăm sóc, nuôi dưỡng: Phải cho vịt ăn, uống đầy đủ đảm bảo chất lượng. Thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hóa, khoáng chất, điện giải để tăng sức đề kháng cho đàn vịt.

- Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng: Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Sau mỗi vụ nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để xử lý, cọ rửa chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng xà phòng, sau đó tiến hành phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi, ngâm dụng cụ chăn nuôi trong thuốc sát trùng. Ðể trống chuồng 10 – 15 ngày trước khi nhập nuôi lứa mới.
- Thực hiện tiêm phòng vaccine dịch tả vịt theo đúng quy định.
Xử lý và điều trị mầm bệnh
Bệnh do virus gây ra nên không có thuốc chữa trị đặc hiệu. Khi đàn vịt bị bệnh, cần phải tiến hành nuôi nhốt để cách ly mầm bệnh; thu gom, tiêu hủy ngay các con vịt ốm, chết; tiến hành vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để ủ hoặc chôn; phun thuốc sát trùng chuồng trại, tẩy uế, sát trùng toàn bộ dụng cụ chăn nuôi; báo cho cơ quan thú y địa phương để biết các biện pháp phòng chống.
Khi đàn vịt bị bệnh, có thể can thiệp vaccine trực tiếp vào ổ dịch với liều gấp 2 lần bình thường. Sau 7 – 8 ngày những con vịt mang mầm bệnh sẽ chết. Những con chưa nhiễm bệnh sẽ có miễn dịch có khả năng chống lại bệnh. Những con vịt qua khỏi chỉ nuôi làm vịt thịt, không dùng làm giống. Ðồng thời bổ sung Gluco, điện giải (B – Complex với liều 2 g/l nước), men tiêu hóa, bổ gan (dùng sorbitol liều 2 g/lit nước cho uống); nhằm tăng khả năng đào thải chất độc và tăng sức đề kháng cho vịt nuôi.
Khi vịt mắc bệnh Dịch tả, việc dùng kháng sinh để điều trị càng làm bệnh trầm trọng và tăng tỉ lệ chết. Khi vịt bệnh cần cho uống các loại thuốc hỗ trợ sức đề kháng sau: hỗn hợp đường Dextrose + Đạm đơn + Giải độc gan thận + Vitamin; điện giải liên tục suốt quá trình điều trị, giúp nâng sức khỏe, giải độc, loại thải độc tố.
Quy trình tiêm phòng vacxin dịch tả vịt
- Tiêm cho vịt mới nở : liều lượng 0,2ml vacxin cho một con tỷ lệ pha loãng 1/200, thời gian miễn dịch 30-45 ngày.
- Tiêm bổ sung cho vịt lúc 1 tháng tuổi : 0,5ml vacxin cho 1 con, tỷ lệ pha loãng 1/200 – 1/500.
- Tiêm cho vịt bố mẹ (vào lúc dập đẻ, ba vụ dập đẻ thì tiêm 3 lần): 1ml vacxin cho 1 con, tỷ lệ pha loãng 1/200- 1/500. Nếu vệ sinh phòng bệnh bảo đảm đầy đủ thì đàn vịt sẽ không mắc dịch. Trường hợp bệnh dịch vẫn xảy ra (do có những thiếu xót) thì có thể áp dụng biện pháp tiêm thẳng vacxin vào ổ dịch.

Để đề phòng bệnh khỏi lan rộng, vịt chết phải chôn, còn vịt ốm có thể ăn sau khi xử lý. Muốn vậy phải mổ vịt ở nơi qui định, thịt cần nấu chín kỹ, lông, lòng cùng nước làm thịt phải tiêu độc bằng thuốc sát trùng (như xút, vôi bột..). Với những biện pháp trên đây nhiều địa phương ở miền Nam đã khống chế bệnh dịch tả góp phần làm cho nghề nuôi vịt chăn thả phát triển.