Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát diện rộng tại các nước trên thế giới, Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ việc này. Đặc biệt trong khoảng thời gian trở lại đây, ngày càng có nhiều ổ dịch tả lợn được phát hiện tại các địa phương, tỉnh thành buộc những hộ dân chăn nuôi nơi đây phải tiêu hủy một số lượng lớn heo bị nhiễm bệnh. Trong đó, đáng chú ý là tỉnh Nghệ An khi mới đây, địa phương này đã phải tiêu hủy hàng chục ngàn con heo khiến cho nhiều hộ chăn nuôi chịu tổn thất nặng nề. Dự đoán trong thời gian tới, dịch tả lợn có thể lây lan rộng hơn nữa nếu người chăn nuôi không tuân thủ theo các quy định phòng ngừa dịch bệnh và chăn nuôi an toàn.
Nghệ An tiêu hủy hàng chục nghìn con heo do dịch bệnh
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại gần 1.500 xã của 50 tỉnh, thành phố; buộc tiêu hủy trên 93.000 con heo, cao gấp 2 lần so với năm 2020.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) tính đến đầu tháng 10/2021, cả nước đã xảy ra hơn 1.834 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 1.672 xã, 304 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy 112.092 con, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tổng trọng lượng tiêu hủy ước tính trên 5.500 tấn. Trong đó, một số tỉnh có số lượng heo nhiễm bệnh lớn như Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Quảng Nam,…

Tại Nghệ An, thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại. Báo Nông nghiệp Việt Nam liên tục đưa tin về tình hình dịch tả lợn châu Phi. Tính đến ngày 15/10 đã có khoảng 67 ổ dịch tại 13 huyện, thành phố. Những ổ dịch này xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa qua 21.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Nghệ An có 279 ổ dịch tả lợn châu Phi. Các ổ dịch xảy ra tại hơn 7.000 hộ dân ở 20 huyện, thị, thành phố. Tổng số heo đã tiêu hủy trên 22.000 con, xấp xỉ 1.400 tấn.
Nguyên nhân lây lan bệnh dịch và biện pháp khắc phục
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, hiện tại đây là thời điểm thời tiết đang chuyển mùa, mưa nhiều. Do đó, rất dễ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trong đó, dịch tả lợn châu Phi đang là mối đe dọa.
Ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, cho biết virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao. Chúng có thể tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền đa dạng, phức tạp. Trong khi đó, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh.
Thời tiết đang vào mùa mưa bão, gây ngập úng nhiều nơi. Điều này tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn tại và phát tán rộng. Chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, có hộ chăn nuôi còn giấu dịch, heo mắc bệnh không khai báo. Nhiều người còn tự ý lấy mẫu gửi xét nghiệm, cố tình giết mổ để tiêu thụ.
Do vậy, người chăn nuôi cần mua con giống rõ nguồn gốc. Lưu ý, không nên mua con giống của những người đi bán rong. Bên cạnh đó, cần tiêm phòng các bệnh để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Bà con cần tiến hành khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột trong khu vực chuồng trại. Cách này nhằm giúp người chăn nuôi tiêu diệt mầm bệnh.

Đồng thời, người chăn nuôi nên cho heo ăn thức ăn đã nấu chín. Đặc biệt, bà con không lấy các loại rau trôi ngoài sông suối. Ngoài ra, tránh lây lan dịch bệnh từ động vật chết, chất thải tại lò mổ thải ra môi trường.