Bệnh bạch hầu (loét miệng) được xem là căn bệnh phổ biến nhất ở chim bồ câu, có khoảng 80% chim bồ câu bị nhiễm bệnh. Đối với bồ câu nuôi nhốt, bệnh có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm, chủ yếu ở những nước có khí hậu ấm áp. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh sẽ lây lan nhanh chóng cho cả đàn. Vì vậy, người nuôi cần trang bị cho mình những kiến thức về cách phòng và điều trị bệnh cho chim bồ câu, để tránh những thiệt hại xấu xảy ra. Bảng tin sau đây sẽ cung cấp đến bạn những kiến thức hữu ích nhất về căn bệnh này.
Nguyên nhân mắc bệnh bạch hầu ở bồ câu

Do ký sinh trùng Trichomonas gallinae gây ra. Ðây là ký sinh trùng đơn bào có hình roi. Trichomonas gallinae có kích thước nhỏ, khoảng 5 – 20 µm, hình bầu dục. Trichomonas gallinae sống trong xoang, miệng, cổ họng, thực quản và các cơ quan khác. Chúng nhân lên nhanh chóng bằng phân chia đơn giản (phân hạch nhị phân) nhưng không tạo thành u nang kháng thuốc. Do đó, chúng chết nhanh chóng khi được truyền ra khỏi vật chủ. Các chủng T. gallinae khác nhau về độc lực của chúng.
Ðặc điểm dịch tễ
Ðối tượng: Chim bồ câu là vật chủ chính, nhưng T. gallinae cũng xuất hiện ở một số loài chim khác, bao gồm chim ưng và đại bàng, diều hâu, cú. Chúng thường biểu hiện tổn thương gan, có hoặc không có tổn thương cổ họng. Thông thường, chim non mẫn cảm với bệnh hơn. Bệnh thường xảy ra ở chim bồ câu 10 – 24 ngày tuổi. Chim bồ câu trưởng thành thường xuyên mang theo ký sinh trùng mà không có dấu hiệu của bệnh. Tuy nhiên, gặp điều kiện không thuận lợi, ký sinh trùng nhân lên rất nhiều, dẫn đến hiện tượng nhiễm trùng nhẹ và sau đó có thể trở thành nghiêm trọng. Mức độ của bệnh phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của chim và độc lực của chủng ký sinh trùng gây bệnh.
Con đường lây truyền
Bệnh lây nhiễm từ con này sang con khác qua nước uống, hoặc từ chim cha mẹ sang chim con khi chúng mớm thức ăn. Ngoài ra, đối với các loại chim săn mồi, chúng nhiễm bệnh do ăn thịt chim đã mang bệnh. Sau ký sinh trùng vào cơ thể, chúng bắt đầu xâm nhập vào đường tiêu hóa, chủ yếu là ở diều. Ở những con chim bồ câu nhiễm bệnh nặng, vi khuẩn di chuyển xuống thực quản và xuyên qua thành ruột, ảnh hưởng đến các mạch máu lớn và gan. Ký sinh trùng cũng có thể nhân lên ở vùng rốn, gây viêm.
Triệu chứng bệnh
- Giảm hoạt động, lặp đi lặp lại động tác nuốt.
- Xù lông, giảm cân, tăng lượng nước uống, tiêu chảy
- Các mảng màu vàng được tìm thấy trong vòm họng, miệng.
- Trong giai đoạn khởi phát thường có mùi hôi.
Phương pháp phòng ngừa

- Thực hiện tốt an toàn sinh học, vệ sinh sạch sẽ và khử trùng khu vực nuôi.
- Không cho chim mới vào đàn ngay, cần được cách ly trong ít nhất 30 ngày.
- Cung cấp nguồn nước sạch cho chim, loại bỏ tất cả các nguồn nước đọng.
- Vệ sinh máng ăn và bồn tắm chim thường xuyên.
- Bảo vệ chim khỏi những loài chim hoang dã.
- Thức ăn đảm bảo chất lượng tốt. Không sử dụng thức ăn ôi thiu, mốc.
Điều trị bệnh
Sử dụng các loại thuốc điều trị như:
- Ronidazole (Ridzol)(DAC)
- Metronidazole (Flagyl) (DAC)
- B.S. (Belgica-DeWeerd)
- Ronidazole 10% (Pantex)
- Ronidazole 40 (Pantex)
- 5% Cure (Travipharma)
Trong điều kiện không kịp mua các loại thuốc thú y có thể mua thuốc Tây (sử dụng cho người tại các nhà thuốc): Metronidazole 250mg. Liều dùng: Mỗi lần nửa viên, ngày 2 lần, sử dụng liên tục trong 3 ngày.